Lạc quan thận trọng

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức tài chính đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới, khi cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ hơn. “Sức khỏe” của các nền kinh tế lớn dự báo được cải thiện, song nền kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước không ít khó khăn, do sự xuất hiện những biến thể mới của Covid-19.

Theo kế hoạch, đầu tháng 4 tới, IMF sẽ cập nhật dự báo tăng trưởng toàn cầu, đánh giá lại mức dự kiến 5,5% mà tổ chức này công bố hồi tháng 1. IMF hoan nghênh gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD được Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn ban hành, coi đây là một nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới, đóng góp quan trọng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Người phát ngôn IMF G.Rai-xơ cho rằng, gói cứu trợ Covid-19 sẽ thúc đẩy GDP của Mỹ tăng từ 5% đến 6% trong ba năm tới. Gói tài chính này còn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, kéo dài trợ cấp thất nghiệp tới tháng 9 cùng khoản thanh toán trực tiếp 1.400 USD tới mỗi người dân Mỹ. 

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định, kinh tế thế giới năm 2021 có thể tăng trưởng 4,7% nhờ sự phục hồi cao hơn dự báo tại Mỹ. Việc điều chỉnh dự báo này là do kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ tăng, nhờ tiến triển của chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và gói kích thích kinh tế lớn. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng nhận định, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ “có vẻ được củng cố”. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự báo nhờ các động thái chính sách tiền tệ và tài chính chưa từng có tiền lệ mà Quốc hội Mỹ và FED đưa ra, giúp các doanh nghiệp trụ vững trước đại dịch. FED dự báo, kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 1984, trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 4,5% vào cuối năm. 

Kinh tế Liên hiệp châu Âu (EU) cũng được dự báo tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2021, dù đà phục hồi chưa thật sự chắc chắn. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) V.Đôm-brốp-xki, EU cần có chính sách tài khóa nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong hai năm tới. Theo đó, “điều khoản thoát hiểm”, vốn cho phép các quốc gia tự do chi tiêu để khắc phục tác động của đại dịch nhưng vẫn bảo đảm bền vững tài khóa, sẽ tiếp tục được kích hoạt tới cả năm 2022. Kinh tế Anh cũng được kỳ vọng dần phục hồi, khi hoạt động kinh tế được cho là trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay, sau khi “xứ sở sương mù” quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm chủng. 

Tại châu Á, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đặt kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế. 76,8% số doanh nghiệp Nhật Bản lên kế hoạch từng bước mở rộng kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2021 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo đạt 3,3%, cao hơn so với dự báo trước đó. OECD nâng mức dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc, vì tin rằng gói kích thích kinh tế của Mỹ tác động tích cực đối với các đối tác thương mại lớn, trong đó có Hàn Quốc.    

Tuy nhiên, cả IMF và UNCTAD đều cảnh báo, diễn biến phức tạp của đại dịch có thể gây tổn thương sâu sắc tới kinh tế toàn cầu. Theo IMF, các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng trước những nguy cơ từ việc chi tiêu quá lớn. Đại dịch gây ra hậu quả kéo dài, đòi hỏi các chính phủ duy trì hỗ trợ nền kinh tế. Ước tính sản lượng kinh tế thế giới đã giảm 3,9% trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa. Dịch bệnh cũng khiến thu nhập giảm ở mức chưa từng có tiền lệ, nhất là đối với người dân ở các nước đang phát triển. 

Việc các nước duy trì gói cứu trợ kinh tế và đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được kỳ vọng góp phần hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Tín hiệu lạc quan được phát đi từ một số nền kinh tế lớn, song triển vọng phục hồi vẫn được cho là chưa chắc chắn và không đồng đều. Cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới tụt hậu và sẽ trở nên tồi tệ hơn, nếu thế giới không có biện pháp giảm tình trạng thiếu công bằng trong tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19.