Bình luận quốc tế

Không nhìn cùng một hướng

Lường trước khó khăn để đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề nóng của thế giới, nước chủ nhà Pháp điều chỉnh cả định dạng truyền thống khi không dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao G7. Song, hóa giải bất đồng giữa các nước phát triển nhất thế giới vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Khi các thành viên không nhìn cùng một hướng, G7 khó duy trì tầm ảnh hưởng trong vấn đề quản trị toàn cầu.

Tổng thống Pháp Macron (bên phải) và người đồng cấp Mỹ Trump ngày 26-8 tham gia cuộc họp báo cuối cùng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao G7. (Ảnh: AP)
Tổng thống Pháp Macron (bên phải) và người đồng cấp Mỹ Trump ngày 26-8 tham gia cuộc họp báo cuối cùng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao G7. (Ảnh: AP)

Hội nghị cấp cao G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh quan ngại gia tăng về nguy cơ suy giảm kinh tế thế giới, trong khi chia rẽ giữa Mỹ với các thành viên “câu lạc bộ các nước giàu”, nhất là các đồng minh châu Âu, ngày càng được nới rộng trong nhiều vấn đề, từ chính sách thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran, đến môi trường. Có lẽ bởi vậy, cuộc hội ngộ lần thứ 45 của các nhà lãnh đạo những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới dịp cuối tuần trước, tại khu nghỉ dưỡng Biarritz ở phía tây - nam Pháp, đã được nước chủ nhà chọn chủ đề chung là “chống bất bình đẳng”, với các phiên thảo luận chính chỉ về bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu, hợp tác về phát triển châu Phi... Những chủ đề này rõ ràng không đủ độ “nóng”, nếu so với một loạt vấn đề đang nổi lên gay gắt, như cuộc chiến thương mại, an ninh biển ở vùng Vịnh, hay tiến trình nước Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Bất đồng quan điểm giữa các thành viên G7 là lý do để Pháp điều chỉnh không chỉ nội dung, mà cả cách thức thảo luận tại hội nghị ở Biarritz. Nhằm tránh lặp lại kịch bản của Hội nghị cấp cao G7 năm 2018 tại Canada, khi Mỹ “đứng riêng một bên” và từ chối thông qua Tuyên bố chung, Pháp quyết định hội nghị năm nay không ban hành văn bản chung, thay vào đó, chỉ tập trung thảo luận để đạt được kết quả cụ thể nhằm mang lại những thay đổi. Pháp cũng mời các lãnh đạo nhiều nước dự họp, như Ấn Độ, Australia, Tây Ban Nha, Chile và một số nước châu Phi. Việc “đổi mới” được Pháp lý giải là nhằm khắc phục hạn chế trong cách thức quản trị toàn cầu của G7 hiện nay. Theo Paris, sự tham gia, đóng góp của những quốc gia, đối tác có ảnh hưởng mang tầm khu vực sẽ giúp hình thành liên minh quốc tế rộng lớn hơn, tìm ra những giải pháp toàn diện hơn, để chống lại mọi hình thức bất bình đẳng, một cách hiệu quả và hợp pháp.

Nỗ lực của nước chủ nhà dù lớn là vậy nhưng cũng không giúp thu hẹp được khoảng trống khác biệt giữa các thành viên G7, cụ thể là giữa Mỹ với nhiều đối tác, trong cả những chủ đề thảo luận chính, lẫn những điều các bên trao đổi bên lề, mà nổi bật là hai vấn đề thương mại và môi trường. Từng là lĩnh vực dễ tìm được sự đồng thuận trong G7, thì nay kinh tế và thương mại lại là vấn đề phát sinh ra nhiều bất đồng, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị “đốt nóng” nhanh chóng, bằng các bước đi trả đũa lẫn nhau giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Trong khi các thành viên châu Âu, cùng Nhật Bản và Canada thể hiện rõ sự lo ngại, thì Mỹ lại tận dụng diễn đàn G7 để lôi kéo đồng minh, trong cuộc đua với Trung Quốc. Bởi thế, G7 vẫn dừng ở mức ghi nhận quan điểm của các bên, chứ chưa đưa ra bất kỳ kết luận nào. Tương tự, tranh cãi cũng nổ ra trong việc gắn vấn đề thương mại với chống biến đổi khí hậu, khi nỗ lực ngăn cháy rừng Amazon ở Brazil bị biến thành điều để mặc cả cho việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa EU với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Bất đồng giữa Mỹ với các đối tác G7 còn thể hiện trong nhiều vấn đề, như duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, hay liên minh bảo đảm an ninh vùng Vịnh...

Thực tế, G7 không còn là nhóm của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi thiếu vắng các nền kinh tế thứ hai và thứ sáu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, với thực trạng dân số gia tăng, tài nguyên cạn kiệt và môi trường hủy hoại ngày càng trầm trọng, thế giới ngày nay đang phải đối mặt các vấn đề ở cấp độ liên quốc gia, liên châu lục, mà sự quản trị toàn cầu theo mô hình của vài chục năm trước, với một nhóm nhỏ các quốc gia như G7, không còn hiệu quả. Sự lớn mạnh của các kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Phi và khu vực Nam Mỹ, cùng thực tế phụ thuộc lẫn nhau ở cấp độ cao giữa các quốc gia, cũng tạo ra thách thức lớn đối với vai trò dẫn dắt của G7.

Thêm một kỳ hội nghị cấp cao không thu hẹp được bất đồng, càng cho thấy những căng thẳng nảy sinh và phương thức xử lý các vấn đề nóng khác biệt của các thành viên trong G7, nhất là khi các thành viên “câu lạc bộ tinh hoa” này lại không nhìn về một hướng, không chia sẻ mục tiêu chung vì sự phát triển và ổn định trên toàn cầu.