Không lạc quan

Chiến lược mới tại Afghanistan và khu vực Nam Á do Tổng thống Mỹ D. Trump vừa công bố tập trung cho sứ mệnh ngăn chặn lực lượng cực đoan và khủng bố tại Afghanistan, bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. Mặc dù chính sách mới có nhiều thay đổi so chính quyền tiền nhiệm, song có cùng "mẫu số chung" về một kết cục khó đoán định cho đất nước Nam Á này.

Sau nhiều toan tính và cân nhắc, Chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump cũng cho ra đời một bản chiến lược mới tại Afghanistan và khu vực Nam Á, trong đó tập trung các chính sách và biện pháp đối phó tình hình bất ổn leo thang nghiêm trọng tại Afghanistan, ngăn chặn tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al Qaeda "sinh sôi", tìm đường tiến công nước Mỹ.

Tổng thống Trump tuyên bố, chiến lược mới có sự thay đổi đáng kể so chính sách của người tiền nhiệm B. Obama theo đó, Washingtonsẽ không rút quân, tránh tạo "lỗ hổng an ninh" nghiêm trọng dễ biến Afghanistan trở thành "thiên đường" cho khủng bố. Lãnh đạo Nhà trắng quyết định tăng quân, quyết thắng trong cuộc chiến vốn "hao người tốn của" kéo dài gần 16 năm qua tại Afghanistan, nhằm ngăn các nhóm khủng bố dùng địa bàn này làm bàn đạp tiến công Mỹ. Theo chiến lược mới, Washingtoncũng không buộc Chính quyền Kabul cải cách, theo hướng "dân chủ kiểu phương Tây", mà sẽ tạo điều kiện để Chính phủ Afghanistan và lực lượng Talibansớm nối lại đàm phán hòa bình, hỗ trợ Chính phủ, người dân Afghanistan làm chủ đất nước và tương lai của mình. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh, chỉ duy nhất sức mạnh quân sự sẽ không mang lại hòa bình cho Afghanistan, mà cần tích hợp các giải pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự. Chiến lược của Mỹ tăng quân tại Afghanistan và can dự nhiều hơn tại Nam Á đã đảo ngược những gì giới phân tích từng dự đoán, dựa trên những tuyên bố mà ông Trăm đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Tổng thống Trump thừa nhận, ông có ý định rút quân khỏi Afghanistan vì cuộc chiến tại đây đã tiêu tốn quá nhiều tiền của và nhân lực của Mỹ, nhưng ông đã thay đổi quan điểm, tiếp cận tình hình một cách thực tế hơn, khi bị thuyết phục rằng, cần có biện pháp mạnh bạo hơn để ngăn chặn Talibanvà IS hoành hành dữ dội trên đất Afghanistan. Trong những ngày tới, Mỹ sẽ triển khai đợt quân đầu tiên bổ sung cho cơ số khoảng 8.400 binh sĩ Mỹ và 5.000 binh sĩ thuộc NATO đang làm nhiệm vụ tại Afghanistan, để tác động thay đổi cục diện tình hình an ninh bất ổn hiện tại. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, sẽ yêu cầu các đồng minh NATO và đối tác toàn cầu ủng hộ chiến lược mới của Mỹ, với việc bổ sung binh sĩ và ngân sách. Ngoại trừ Anh còn chần chừ, chưa cân nhắc tăng quân tại Afghanistan, hầu hết các đồng minh và đối tác của Mỹ đều tuyên bố ủng hộ đề xuất của Tổng thống D. Trump.

Gần 16 năm kể từ khi phát động cuộc chiến tại Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban, cuộc chiến của Mỹ tại đây vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Mặc dù Tổng thống D. Trump tin tưởng bằng chiến lược mới, Mỹ sẽ tạo những sự thay đổi tại Afghanistan, song dư luận vẫn không lạc quan về chính sách này. Các cơ quan tình báo Mỹ nhận định, tình hình tại Afghanistan chắc chắn sẽ xấu đi trong năm tới, cho dù Mỹ và các lực lượng đồng minh điều thêm quân tới. Một số tướng quân đội và chuyên gia quân sự Mỹ cũng cho rằng, chiến lược của Tổng thống Trump có thể có lợi cho Afghanistan, nhưng ít cơ hội đưa Mỹ đến chiến thắng. Thậm chí, những người ủng hộ chiến lược của ông Trăm vẫn lo ngại nguy cơ sa lầy. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Mát-xcơ-va không tin rằng chiến lược mới ở Afghanistan của Tổng thống Mỹ dẫn tới bất cứ sự thay đổi tích cực đáng kể nào ở quốc gia Nam Á.

Những người tiền nhiệm của Tổng thống D. Trump, gồm cựu Tổng thống G. Bush và B. Obama đều xoay xở tìm lời giải cho "bài toán an ninh" quá khó ở Afghanistan, song đều thất bại. Bản thân Tổng thống D. Trump cũng thừa nhận, mối đe dọa an ninh mà Mỹ đang đối mặt ở Afghanistan và cả khu vực Nam Á là quá lớn. Vì vậy, dù quyết sách mới đã được ban hành, song không ai dám lạc quan về một tương lai hòa bình cho Afghanistan, trong một thời gian ngắn sắp tới.