Bình luận quốc tế

Khoảng trống nguy hiểm

Không ngoài xu hướng chung của thế giới đang gồng mình chống chọi đại dịch Covid-19, song Xy-ri và I-rắc cùng lúc phải ứng phó nhiều thách thức lớn, cả chính trị lẫn kinh tế. Giới quan sát khu vực cảnh báo, những "khoảng trống an ninh" có thể bị các nhóm khủng bố, nhất là tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), lợi dụng để tìm cách hoạt động trở lại.

Trong bài phân tích vừa đăng trên trang mạng Arab News, chuyên gia bình luận chính trị quốc tế O.Sa-ríp nêu lo ngại rằng, khi cả thế giới còn bận rộn đương đầu cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do Covid-19, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy IS đang "tái xuất", nhất là ở những vùng sa mạc trống vắng ở Xy-ri và I-rắc. Theo tác giả, tình trạng bất ổn an ninh và thiếu nguồn lực ứng phó, có nguy cơ tạo ra những "khoảng trống an ninh" mà IS có thể lợi dụng để tìm cách "trở lại".

Cảnh báo nguy hiểm nêu trên là có cơ sở. Cơ quan chống khủng bố của I-rắc xác nhận, thủ lĩnh IS tại I-rắc Mu-ta An Giu-bu-ri vừa bị tiêu diệt trong cuộc không kích do liên quân quốc tế tiến hành. Cục Tình báo quốc gia I-rắc cũng thông báo đã bắt giữ Áp-đun Nát-xê Ca-đát, đối tượng từng được chọn thay thế thủ lĩnh cấp cao IS bị Mỹ tiêu diệt ở Xy-ri năm ngoái. Những tuần gần đây, nhiều báo cáo an ninh tại I-rắc cho thấy, các nhóm cực đoan gia tăng hoạt động, nhất là trong tháng ăn chay Ra-ma-đan và dịp lễ Hiến sinh quan trọng của người Hồi giáo vừa qua. Ðáng lo ngại là, IS thừa nhận tiến hành nhiều vụ tiến công các mục tiêu cả quân sự lẫn dân sự tại miền trung và tây I-rắc.

Tại Xy-ri, tình hình nghiêm trọng không kém. Tháng Ra-ma-đan vừa qua chứng kiến một loạt vụ tiến công đẫm máu nhằm vào lực lượng chính phủ và các nhóm dân quân ủng hộ chính quyền Ða-mát, nhất là tại các tỉnh Ðê-ia An Do và Hôm-xơ, khiến hàng chục người chết. IS đã nhận trách nhiệm. Trong khi đó, Mỹ thông báo liên quân quốc tế đã tiêu diệt ít nhất hai thủ lĩnh chủ chốt của IS tại khu vực này.

I-rắc tuyên bố chiến thắng IS từ năm 2017, tổ chức khủng bố này cũng được cho rằng đã bị loại bỏ ở Xy-ri hồi tháng 3-2019. Hàng nghìn phần tử IS được cho là vẫn đang bị giam giữ tại khu vực bắc và đông bắc Xy-ri, trong đó có nhiều tay súng nước ngoài. Song, nỗ lực "hồi hương" các cựu binh thánh chiến này chưa đạt hiệu quả, khi nhiều quốc gia từ chối nhận lại công dân từng tham chiến trong hàng ngũ IS. Một số báo cáo còn cho biết, hàng trăm phần tử IS đã trốn thoát khỏi nơi giam giữ, nguy hiểm là những đối tượng có thể dễ dàng "tái hợp" tại những vùng sa mạc hẻo lánh ở cả Xy-ri và I-rắc.

Có thể thấy, bất ổn chính trị và an ninh đang cản trở những nỗ lực loại bỏ "tàn dư IS". Tại I-rắc, bất đồng nội bộ và tranh cãi về "ảnh hưởng của I-ran" làm chệch hướng các mục tiêu "thời hậu IS", ít nhất là với nhiệm vụ truy quét các tay súng IS còn ẩn náu trong lãnh thổ I-rắc. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và I-ran, nhất là sau vụ tướng I-ran bị Mỹ sát hại ở sân bay Bát-đa, càng khiến chính trường I-rắc thêm chia rẽ về mối quan hệ với hai đối tác và khiến các nỗ lực chống IS giảm đi. Trong khi đó, liên minh quốc tế chống IS lại ngày càng lỏng lẻo, khi Bát-đa gia tăng đòi hỏi lực lượng nước ngoài nhanh chóng rời I-rắc. Giới chức quân sự I-rắc còn cảnh báo, các vụ tiến công liên quan IS gia tăng, trong bối cảnh nước này tập trung nguồn lực để kiềm chế dịch Covid-19.

Tương tự, tại Xy-ri, tiến trình hòa bình, hòa giải vẫn rối ren, triển vọng về giải pháp chính trị cho khủng hoảng vẫn mờ mịt, trong khi giao tranh tiếp diễn, kéo theo thảm họa nhân đạo trầm trọng. Hợp tác giữa các đối tác nước ngoài nhằm khôi phục hòa bình và ổn định cho Xy-ri ngày càng phức tạp, hiệu quả chưa rõ rệt... Thực trạng đó có thể tạo khoảng trống nguy hiểm mà IS lợi dụng để theo đuổi mục tiêu "tái xuất".

Cuộc chiến chống Covid-19 và nỗ lực hạn chế tác động của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội đang là mục tiêu cấp bách và rốt ráo nhất của cả thế giới. Song, mục tiêu chống khủng bố không vì thế mà bị lơ là, nhất là khi nguy cơ "IS tái xuất" trở nên rõ nét hơn.