Bình luận quốc tế

Khó khăn chưa từng có

Cùng với khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh, làn sóng thất nghiệp đang lan rộng ở nhiều nền kinh tế lớn. Các quốc gia vừa chống dịch bệnh, vừa phải lo khôi phục tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ người nghèo.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa cảnh báo, dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và ngành sản xuất trên toàn thế giới, nhất là đối với ngành du lịch và sản xuất ô-tô. Bà Alette van Leur, Giám đốc Cục các hoạt động ngành nghề của ILO nhấn mạnh rằng, vấn đề việc làm đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Vì thế, dịch bệnh tác động tiêu cực đến kinh tế cũng đã "thổi bay" thành tích tạo việc làm của Chính phủ Mỹ thời gian qua. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn bùng nổ việc làm kéo dài từ tháng 9-2010 đến tháng 2-2020 vừa qua, nước Mỹ đã tạo thêm 22 triệu việc làm. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ trong năm tuần gần đây, đã có 26,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng miền Tây ở Xan Phran-xi-xcô nhận định, nền kinh tế Mỹ đang "chảy máu" việc làm với tốc độ và quy mô chưa từng thấy và điều này có thể so sánh "như một thảm họa tự nhiên mang tầm quy mô quốc gia".

Trong khi đó, ở Pháp, hơn 10 triệu người làm việc trong lĩnh vực tư nhân đã đăng ký vào danh sách thất nghiệp tạm thời. Trả lời phỏng vấn đài BFM Business, Bộ trưởng Lao động M.Penicaud cho biết tỷ lệ lao động thất nghiệp tạm thời hiện là hơn 50%. Phòng Thương mại Anh thông báo, hơn 70% số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh đã cho một số nhân viên nghỉ việc do dịch và đang chờ để nhận các khoản trợ giúp của chính phủ, trong bối cảnh Anh là "ổ dịch" lớn thứ sáu trên thế giới, với hàng trăm nghìn người mắc bệnh. Tại Thái Lan, Ðại học Thương mại Thái Lan dự báo 10 triệu người mất việc làm do đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế lớn thứ hai Ðông - Nam Á và sẽ khiến GDP giảm 4%.

Trong bối cảnh khủng hoảng việc làm đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng với các nền kinh tế như trên, chính phủ các nước đã buộc phải tung ra các gói cứu trợ để bảo đảm an sinh xã hội và giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ không lâm cảnh phá sản. Tại Mỹ, các nghị sĩ tại Hạ viện đã thông qua dự luật cứu trợ nhằm hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện đang phải vật lộn với thiệt hại kinh tế do đại dịch. Theo đó, dự luật gồm ngân sách bổ sung 310 tỷ USD cho chương trình bảo vệ tiền lương, trong đó có 60 tỷ USD dành riêng cho ngân hàng cộng đồng và các nhà cho vay nhỏ, cũng như 75 tỷ USD cho các bệnh viện. Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá khoảng 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, bệnh viện...

Trong vài ngày qua, chính phủ các nước châu Âu như Pháp, Séc, Iceland... đều đã triển khai các biện pháp khẩn cấp để tăng khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng của dịch. Trong đó, Chính phủ Séc tuyên bố sẽ dành 216 tỷ korun để hỗ trợ trực tiếp, bao gồm cả việc giảm thuế cho các doanh nghiệp và chương trình trợ cấp cho người lao động, trong khi phần lớn số tiền còn lại sẽ tồn tại với hình thức bảo đảm tiền vay. Tổng giá trị gói hỗ trợ này tương đương 20,7% GDP hằng năm của Séc. Tại Ðức, Cơ quan Lao động liên bang đã cho phép triển khai cũng như tạo điều kiện để những người xin tị nạn và các công dân nước thứ ba đang không có việc làm có thể tham gia thu hoạch vụ mùa trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này.

Điều gây "đau đầu" cho các nhà lãnh đạo trên thế giới hiện nay là việc cố gắng khởi động lại nền kinh tế, tạo điều kiện cho người lao động được đi làm đang là "dao hai lưỡi", khi dịch bệnh vẫn nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. ILO khuyến cáo, người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi bảo đảm được các điều kiện cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh tái diễn. Trong khi đó, gói hỗ trợ kinh tế của các nước đều có giới hạn, và dịch bệnh thì không biết khi nào mới chấm dứt. Thực tế này đang đặt thế giới trước những khó khăn chưa từng có.