Khó khăn chồng chất ở châu Âu

Di cư lại tiếp tục trở thành vấn đề “nóng” của các quốc gia thuộc “mái nhà chung châu Âu” trong những ngày gần đây, sau khi Tòa án Công lý châu Âu (CJE) ra phán quyết cho rằng ba nước Đông Âu đã vi phạm luật pháp Liên hiệp châu Âu (EU) khi không tiếp nhận số người di cư theo tỷ lệ được phân bổ. Khủng hoảng di cư diễn ra trong bối cảnh các quốc gia EU cùng lúc còn phải đối mặt các cuộc khủng hoảng về dịch bệnh và kinh tế.

CJE khẳng định, ba nước Ba Lan, Hungary và Séc không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp EU khi từ chối tiếp nhận người di cư nhằm giảm gánh nặng cho các nước thành viên phía nam như Hy Lạp. Vấn đề chia tỷ lệ tiếp nhận người di cư làm suy giảm tình đoàn kết nội khối nhiều năm qua. Các nước thành viên EU bị chia rẽ sâu sắc sau khi EU thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn vào năm 2015. Khi đó, CJE đã yêu cầu các nước trong khối chung tay giải quyết vấn đề này. Trong khi các nước lớn có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước ở Đông Âu như Hungary, Slovakia nhận khoảng 1 đến 2%. Dù việc phân chia này đã được EU thông qua theo đa số vào tháng 9-2015, nhưng kế hoạch phân bổ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung Âu và Đông Âu, trong đó có Séc, Slovakia, Romania và Hungary.

Dòng người di cư đi tìm “miền đất hứa” ở châu Âu đã giảm mạnh trong vài tháng, trước khi tăng trở lại từ năm 2019 tới gần đây, vào lúc hàng chục nghìn người di cư và tị nạn đổ về khu vực biên giới giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nguồn tin của Chính phủ Hy Lạp, ít nhất 40.000 người vượt biên trái phép vào Hy Lạp đã được chặn lại ở biên giới trên bộ kể từ cuối tháng 2 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ mở cửa biên giới cho người di cư tràn sang châu Âu nhằm gây sức ép với EU về cuộc xung đột ở Syria. Theo thỏa thuận di cư năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ngăn chặn dòng người di cư để đổi lấy 6 tỷ ơ-rô hỗ trợ từ phía EU. Tuy nhiên, Ankara cho biết đã không nhận được toàn bộ số tiền nêu trên, trong khi các cam kết khác của EU cũng không được thực thi. Giới phân tích cho rằng, dù giới chức EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư, song những biện pháp của EU chỉ là “đóng băng” vấn đề chứ không giải quyết được tận gốc. Bởi vì trên thực tế, ngọn nguồn của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay là cuộc xung đột Syria. Chừng nào EU không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Syria, thì các làn sóng tị nạn vào “lục địa già” sẽ vẫn tiếp diễn.

Trong khi đó, Hy Lạp - quốc gia nơi “đầu sóng ngọn gió” gánh chịu hậu quả từ làn sóng tị nạn vào châu Âu chỉ trích thỏa thuận về người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều lần phàn nàn về việc các thành viên EU thiếu trách nhiệm trong chia sẻ “gánh nặng di cư” với Hy Lạp. Mối lo của Athens đặc biệt gia tăng những ngày gần đây trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khắp châu Âu và giới chức EU lo ngại các trại tị nạn có thể trở thành những quả “bom dịch”. Ủy viên phụ trách vấn đề nội vụ của EU đã yêu cầu Hy Lạp di chuyển những người di cư có nguy cơ mắc Covid-19 từ các trại quá đông trên các đảo ở Địa Trung Hải về đất liền.

Nhằm san sẻ gánh nặng người di cư với Athens, trong thông báo mới đây, Chính phủ Đức cho biết EU đang cân nhắc tiếp nhận 1.500 trẻ em di cư hiện đang ở các trại tị nạn của Hy Lạp. Trước đó, Thủ tướng Croatia A.Plenkovic cũng thông báo, sẵn sàng tiếp nhận một số trẻ em đang sống trong các trại tị nạn trên các đảo ngoài khơi Hy Lạp. Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Síp cho biết sẽ cử một lực lượng an ninh tới Hy Lạp giúp ngăn chặn người di cư tìm cách vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu.

Những nỗ lực đơn lẻ của các nước thành viên EU nêu trên là chưa đủ để giúp Hy Lạp nói riêng và châu Âu nói chung giải quyết cuộc khủng hoảng di cư vốn đã gây ra nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội và “tàn phá” tình đoàn kết của các quốc gia thành viên EU. Trong bối cảnh EU vẫn cùng lúc đối phó với dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế nếu các nhà lãnh đạo khối này không có giải pháp tổng thể, công bằng, hiệu quả cho vấn đề tiếp nhận người di cư, những bất đồng nội khối sẽ ngày càng sâu sắc. Theo đó, “đại gia đình EU” sẽ rất khó đồng lòng chung sức để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.