Kế hoạch chia sẻ

Tại hội nghị trực tuyến vừa kết thúc, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thảo luận kế hoạch huy động tài trợ những nước nghèo nhất thế giới. Cùng thiện chí gia hạn chương trình giãn nợ, kế hoạch mới của G7 được kỳ vọng giúp giảm nhẹ gánh nặng cho các nước nghèo đang vật lộn chống chọi đại dịch Covid-19.

Hội nghị hôm 12-2 là cuộc thảo luận đầu tiên của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, I-ta-li-a, Ca-na-đa và Nhật Bản), kể từ khi Mỹ có chính phủ mới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa hạ nhiệt, hai nội dung chính được đề cập gồm thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và phối hợp vượt qua thách thức khi nhiều quốc gia rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn thu trong khi gánh nặng nợ công tăng cao. Trong đó, sáng kiến nổi bật, được dư luận quan tâm và chờ đợi, đó là kế hoạch của G7 huy động khoảng 500 tỷ USD tài trợ các nước nghèo đối phó dịch Covid-19.

Các nước G7 hiện đóng góp tới một phần tư ngân sách của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vì thế kế hoạch chia sẻ nêu trên của G7 được kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của IMF. Theo lộ trình, các lãnh đạo tài chính G7 tìm kiếm sự đồng thuận nội bộ, nhất là quyết định đợt phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới. Tiếp đó, kế hoạch được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến cuối tháng 2 tới. Sau khi được nhất trí, kế hoạch sẽ được IMF ra quyết định cuối cùng, sớm nhất là vào tháng 4 tới. Tổng Giám đốc IMF C.Gioóc-giê-va và các nước châu Âu ủng hộ ý tưởng của G7.

Hồi năm 2009, SDR từng giúp các nước nghèo và đang phát triển tiếp cận nguồn vốn khoảng 183 tỷ USD nhằm giải quyết tác động nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong đợt hỗ trợ mới, các nền kinh tế châu Phi gặp nhiều khó khăn, nhất là các nước vùng hạ Xa-ha-ra, sẽ được nhận trực tiếp nguồn hỗ trợ tới 18 tỷ USD, cùng quyền vay ưu đãi theo cơ chế SDR.

Cùng kế hoạch tài trợ và ủng hộ đợt phân bổ nguồn vốn mới của IMF, các nước G7 cũng thảo luận việc tiếp tục giãn nợ, như một hành động thiện chí giúp các nước nghèo có thể tập trung các nguồn lực phục vụ hoạt động phòng, chống Covid-19, hỗ trợ người dân và khôi phục hoạt động kinh tế.

Trong báo cáo Thống kê tài chính quốc tế (IDS) năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra "cảnh báo đỏ" về tình trạng nợ công tăng lên mức kỷ lục ở nhiều quốc gia, nhất là các nước nghèo nhất thế giới. Ðáng chú ý, các chủ nợ chủ yếu lại là chính phủ các nước, hầu hết là các nước G20, bởi thế, WB từng kêu gọi các "quốc gia chủ nợ" tiếp tục hoãn việc thanh toán nợ đối với các nước nghèo.

Tháng 4-2020, Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) đã được G20 thông qua và áp dụng với 73 quốc gia nghèo cho đến hết năm ngoái. Việc triển khai sáng kiến trên đối mặt thách thức, do một số nước chủ nợ cũng gặp khó khăn, trong khi hiệu quả chưa đáng kể với nhiều nước nghèo. Tuy nhiên, việc các nước G20 "đóng băng" các khoản nợ, cả gốc lẫn lãi, đã giúp khoảng 45 nước nghèo có thêm nguồn lực hàng tỷ USD để chi cho việc cải thiện hệ thống y tế và các biện pháp ứng phó đại dịch. WB tiếp tục kêu gọi và các nước G7 cũng ủng hộ thúc đẩy G20 gia hạn thực thi DSSI đến tháng 6-2021.

Hội nghị các lãnh đạo tài chính G7 được tiếp thêm động lực với những cam kết tích cực từ chính quyền mới của Mỹ. Phía Mỹ khẳng định lập trường ủng hộ hợp tác đa phương và kêu gọi các nước G7 duy trì và tăng cường các gói hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Các nước Anh, Nhật Bản... cũng ủng hộ mở rộng các biện pháp "giải cứu" kinh tế, song song nỗ lực kiểm soát đại dịch. Quan điểm nổi bật của G7 là nỗ lực sớm phục hồi kinh tế quốc gia, đồng thời ủng hộ và hỗ trợ các nỗ lực của các nước đang phát triển và có thu nhập thấp.

Những cam kết mới của nhóm các quốc gia giàu được hoan nghênh, cho thấy thiện chí chia sẻ khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút vì dịch bệnh. Dư luận hy vọng và chờ đợi tại Hội nghị cấp cao G7 sắp tới, các cam kết tích cực sẽ được hiện thực hóa bằng các biện pháp hỗ trợ cụ thể, để các nước nghèo sớm vượt qua khó khăn, đóng góp và nỗ lực chung nhằm phục hồi kinh tế toàn cầu.