Bình luận quốc tế

Ðiều chỉnh chiến lược, duy trì lợi ích

Tổng thống Pháp E.Macron vừa có cuộc họp với lãnh đạo các nước G5 khu vực Sahel (gồm Mali, Mauritania, Niger, Burkina Faso và Chad) tại thành phố Pô của nước Pháp nhằm bàn thảo về sự hiện diện quân sự của Pháp ở Sahel trong tương lai.

Paris đang tính toán điều chỉnh chiến lược quân sự trong bối cảnh Mỹ vừa công bố kế hoạch cắt giảm quân số tại châu Phi và tình trạng gia tăng các cuộc tiến công khủng bố đặt an ninh khu vực này trước nhiều thách thức.

Việc Tổng thống Pháp E.Macron chọn thành phố Pô để tổ chức hội nghị cấp cao với các nhà lãnh đạo G5 Sahel của châu Phi nhằm thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố không phải là ngẫu nhiên. Thành phố này là nơi đặt căn cứ của trung đoàn trực thăng chiến đấu số 5, nơi có bảy trong số 13 binh sĩ Pháp đã bị chết khi tham gia sứ mệnh quân sự ở Mali hồi cuối năm ngoái. Ðây là tổn thất nặng nề nhất của Pháp kể từ năm 2013, khi nước này bắt đầu chiến dịch chống khủng bố tại Sahel. Trong khi đó, sự hiện diện của quân đội Pháp ở Sahel ngày càng bị chỉ trích và Tổng thống E.Macron muốn nhân cuộc gặp tại Pô lần này để làm rõ các bước đi tiếp theo cho các chiến dịch quân sự của Pháp ở khu vực này.

Ông E.Macron tuyên bố, không thể và không muốn tiếp tục gửi binh sĩ Pháp đến Sahel nếu vẫn còn sự mập mờ của chính phủ các nước, liên quan phong trào chống Pháp đang xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực. Ông cũng mong muốn xác định lại rõ ràng khuôn khổ và các điều kiện chính trị của chiến dịch Ba-khan mà Pháp đang tiến hành tại Mali.

Tình hình an ninh tại khu vực Sahel rộng lớn hiện ở mức "báo động đỏ" khi các nhóm khủng bố ngày càng mạnh lên và các cuộc tiến công nhằm vào lực lượng an ninh quốc tế cũng như sở tại gia tăng.

Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 10 đến 12-2019, có 193 binh sĩ Mali chết trong các vụ tiến công của phiến quân, tăng 116% so giai đoạn ba tháng trước đó. Cũng trong giai đoạn này đã xảy ra 68 vụ tiến công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trong Tuyên bố chung của hội nghị cấp cao tại Pô, các quốc gia vùng Sahel nhấn mạnh rằng, Pháp can thiệp quân sự theo lời đề nghị giúp đỡ của họ. Thực tế, các nước G5 Sahel đã thành lập một lực lượng chung chống khủng bố, song lực lượng này hoạt động không hiệu quả. Cuộc họp kín của các nguyên thủ quốc gia G5 Sahel cùng với Pháp là cơ hội để hai bên bàn thảo việc tăng cường hiệu quả chiến dịch chống khủng bố Barkhan dưới sự chỉ huy của quân đội Pháp cho phù hợp tình hình hiện nay. Pháp cho biết sẽ điều chỉnh sự hiện diện của binh sĩ nước này, theo đó sẽ tập trung vào Líp-ta-cô, một khu vực rộng lớn giáp biên giới với Mali, Niger và Burkina Faso và Guốc-ma, một tỉnh phía đông thành phố Mốp-ti của Mali, thay vì hoạt động dàn trải như trước đây. Hai khu vực được chọn làm trung tâm trong các chiến dịch quân sự mới của Pháp này được coi là một thành trì của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ðể đối phó tình hình an ninh ngày càng bất ổn hiện nay ở Sahel, Tổng thống E.Macron tuyên bố sẽ gửi thêm 200 binh sĩ, nhằm tăng cường cho các căn cứ Pháp mà quân số hiện nay lên đến 4.500 người. Chiến dịch của Pháp ở Sahel cũng nhận được sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu. Anh cũng đã cử khoảng 100 binh sĩ tham gia hỗ trợ phái bộ của Pháp. Lực lượng Takouba sẽ tập hợp các đơn vị đặc biệt châu Âu để hỗ trợ chiến dịch Ba-khan và hiện khoảng 10 quốc gia, chủ yếu tại Ðông Âu, khẳng định sẵn sàng gửi quân tham gia.

Trong lúc Pháp và các nước châu Âu xem xét tăng cường lực lượng nhằm giúp bảo đảm tình hình an ninh ở Sahel thì Mỹ lại có kế hoạch cắt giảm sự hiện diện quân sự ở châu Phi. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Ðại tướng M.Milley cho biết, các nguồn lực ở châu Phi có thể bị cắt giảm và sau đó được điều chuyển tăng cường lực lượng cho các khu vực khác. Washington hiện có khoảng 7.000 lính đặc nhiệm triển khai trên cơ sở luân phiên ở châu Phi để tiến hành những chiến dịch chung với các lực lượng quốc gia trong đấu tranh chống các phần tử thánh chiến. Ngoài ra, 2.000 binh sĩ Mỹ khác đang tiến hành nhiệm vụ huấn luyện ở khoảng 40 quốc gia châu Phi và tham gia vào các hoạt động hợp tác với chiến dịch Barkhan của Pháp ở Mali. Sau khi nghe tuyên bố điều chỉnh sự hiện diện quân đội Mỹ ở châu Phi nêu trên, Tổng thống Pháp muốn thuyết phục người đồng cấp Mỹ duy trì quân đội ở châu Phi bởi theo người đứng đầu Ðiện Elysee , cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực này đang diễn ra khốc liệt và phương Tây cần tiếp tục tăng cường lực lượng tại đây.

Trong bối cảnh sự gia tăng về tần suất và quy mô của các vụ tiến công đe dọa nghiêm trọng an ninh châu Phi, nhất là tại khu vực Sahel, Tổng thống Pháp E.Macron hy vọng sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G5 Sahel, Pháp sẽ có nhiều động lực hơn để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực này. Dù các chiến dịch quân sự ở châu Phi chưa thật sự hiệu quả, song các nước phương Tây vẫn buộc phải cân nhắc duy trì sự hiện diện quân sự nhằm bảo vệ lợi ích của họ tại đây.