Ðiều chỉnh chiến lược

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esper vừa bất ngờ đến A-rập Xê-út trong chuyến thăm lần đầu tới quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Ðông kể từ khi ông nhậm chức. Chuyến thăm được cho là nhằm củng cố kế hoạch tái bố trí lực lượng Mỹ ở Trung Ðông để thực thi chiến lược mới, sau khi Lầu năm góc rút các binh sĩ Mỹ khỏi miền bắc Syria.

Chuyến thăm của người đứng đầu Lầu năm góc tới A-rập Xê-út diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ thông báo tăng cường các lực lượng tại Vương quốc này, trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Mỹ và . Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã xác nhận kế hoạch triển khai số lượng lớn binh sĩ và thiết bị bổ sung tới A-rập Xê-út, trong đó có các trang thiết bị phòng không và máy bay chiến đấu. Theo đó, hai phi đội máy bay tác chiến, hai tổ hợp tên lửa phòng không Patriot và một Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), cùng 3.000 binh sĩ sẽ được Lầu năm góc điều động tới quốc gia vùng Vịnh.

Mỹ đưa ra quyết định tăng cường lực lượng sau khi nhận được đề nghị từ A-rập Xê-út bổ sung quân tiếp viện giúp tăng cường năng lực phòng thủ của đồng minh, sau các vụ tiến công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ của Riyad hồi giữa tháng 9 vừa qua. Ðộng thái này cũng được xem là nhằm đối phó "mối đe dọa" từ , quốc gia bị Mỹ và A-rập Xê-út cáo buộc đứng sau các vụ tiến công tàu chở dầu ở vùng Vịnh thời gian qua. Mỹ thực hiện chính sách gây sức ép đối với thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ cho các đồng minh chủ chốt ở khu vực. Các quan chức Mỹ và A-rập Xê-út đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi nhằm thảo luận về những thách thức an ninh chung. Hai quốc gia đồng minh một lần nữa khẳng định hợp tác quân sự mạnh mẽ nhằm đối phó chủ nghĩa khủng bố và gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực.

Kế hoạch tái bố trí lực lượng được Mỹ ráo riết triển khai sau khi Tổng thống D.Trump quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria, nhường lại trận địa này cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng quân đội Mỹ mới đây đã vượt biên giới Syria tiến vào lãnh thổ Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esper tuyên bố, toàn bộ gần 1.000 binh sĩ Mỹ rút khỏi đông bắc Syria dự kiến di chuyển đến miền tây Iraq để tiếp tục chiến dịch truy quét các phần tử thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và giúp bảo vệ Iraq. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ D.Trump thông báo nước này sẽ vẫn duy trì một lực lượng nhỏ quân đội ở Syria dù ông không muốn bất kỳ lực lượng vũ trang Mỹ nào ở lại quốc gia Trung Ðông này. Số binh sĩ ở lại sẽ đóng quân gần biên giới giữa Syria với Jordan và Israel, nhằm bảo đảm an toàn cho các mỏ dầu. Với các động thái này, Mỹ muốn khẳng định không bỏ rơi các đồng minh khi Washington tiếp tục cuộc chiến chống IS ở khu vực.

Quyết định rút quân đội Mỹ khỏi miền bắc Syria của người đứng đầu Nhà trắng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của giới lập pháp hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Họ cho rằng, đây là hành động bỏ rơi người Cuốc, lực lượng đồng minh trung thành của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết lên án quyết định này của Tổng thống. Nghị quyết đề nghị Nhà trắng đưa ra một kế hoạch rõ ràng và cụ thể đối với cuộc chiến chống IS. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện M.Mắc-cô-neo còn hy vọng Thượng viện sẽ thông qua một nghị quyết về Syria mạnh mẽ hơn. Nội bộ đảng Dân chủ cũng tồn tại chia rẽ sâu sắc giữa phe "chủ chiến" và phe "chủ hòa" về chiến lược quân sự của Mỹ tại Syria. Trong khi một số nghị sĩ ủng hộ kế hoạch rút quân của Tổng thống, thì nhiều nghị sĩ khác lên tiếng chỉ trích nặng nề quyết định này, thậm chí cho rằng "đây là sai lầm chết người". Nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Trung Ðông bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy trở lại của IS sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria. Israel, một đồng minh quan trọng của Mỹ, quan ngại nước này cũng có thể bị bỏ rơi, cũng như nguy cơ về khoảng trống an ninh do Mỹ để lại.

Cho dù vấp phải không ít ý kiến trái chiều, song Tổng thống Mỹ D.Trump vẫn kiên quyết thực hiện quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria nhằm tránh cho nước Mỹ bị "sa lầy" vào một cuộc chiến dai dẳng và tốn kém. Các nhà quan sát cho rằng người đứng đầu Nhà trắng thực hiện việc tái bố trí lực lượng Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh và khả năng chiến đấu ở vùng Vịnh, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và leo thang. Quyết định này được cho là sẽ đạt được cả hai mục đích: Vừa thể hiện việc bảo đảm cam kết an ninh với các đồng minh, vừa có tính "răn đe", đồng thời giúp duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Ðông có vị trí địa - chính trị chiến lược.