Bình luận quốc tế

Ði trong màn sương

"Chúng ta đang đi trong màn sương và không thể chắc chắn về những gì phía trước" - bình luận của Bộ trưởng Tài chính Hà Lan O.Hoekstra gây hoang mang, song phản ánh chính xác thực trạng các nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thừa nhận nguy cơ cận kề, song liên minh tiền tệ duy nhất trên thế giới này vẫn chưa thể nhất trí biện pháp chống chọi "cú sốc kinh tế" do dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 hoành hành ngày càng dữ dội, đẩy nhiều nền kinh tế thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), nhất là các thành viên Eurozone, đến gần nguy cơ "quỵ ngã", khi các hoạt động kinh tế đình trệ, ngân sách dành chống dịch tăng vọt. Mặc dù dành nhiều giờ bàn thảo trong cuộc họp trực tuyến hôm 24-3, Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng euro (Eurogroup) vẫn không gạt bỏ được bất đồng để đưa ra biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế khu vực, nhất là việc kích hoạt Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM). Tuy nhiên, Chủ tịch Eurogroup M.Centeno tuyên bố, cuộc thảo luận mới chỉ bắt đầu và các bên cần thêm thời gian để có thể tới đích.

Tình trạng khó khăn kinh tế hiện nay của các nước Eurozone gợi nhớ về cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này gần 10 năm trước, thời điểm ESM được thiết kế và đưa vào thực thi nhằm "giải cứu" các nền kinh tế thành viên EU ngập trong "núi nợ". ESM được xem là "vũ khí" quan trọng nhất để xử lý khủng hoảng nợ ở Eurozone năm 2011, qua đó EU cấp bảo lãnh cho vay đối với các quốc gia thành viên, đi kèm những điều kiện hà khắc về cải cách, từng khiến một số thành viên liên minh đồng euro điêu đứng. Hiện tại, ESM sẵn sàng huy động khoảng 400 tỷ euro cho các trường hợp khẩn cấp, và có thể còn cao hơn. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế Eurozone gặp khó vì dịch Covid-19, ESM được kỳ vọng giúp khơi thông dòng tín dụng để EU hỗ trợ các thành viên.

Cuộc thảo luận đầu tiên về kích hoạch ESM chống Covid-19 vẫn thất bại, cho dù Eurogroup khẳng định cam kết tìm kiếm mọi khả năng cần thiết để hỗ trợ các nền kinh tế Eurozone vượt qua thời điểm khó khăn. Nguyên nhân mấu chốt là bất đồng giữa hai nhóm nước thành viên, ở phía nam và bắc châu Âu. Ðược Pháp và Tây Ban Nha hậu thuẫn, thành viên ở phía nam là Italy đã đề xuất EU nhanh chóng đưa ra "phản ứng rộng khắp" và "hành động đoàn kết lịch sử" về tài chính. Hàm ý là EU "mở hầu bao", hỗ trợ khẩn cấp những nước ở tuyến đầu chống dịch. Mong muốn của Rome cũng dễ hiểu, do Italy đang "lãnh" đủ hệ lụy từ Covid-19.

Tuy nhiên, các thành viên ở phía bắc, dẫn đầu là Hà Lan và Ðức, lại không mặn mà với đề xuất của các đối tác phương nam, khi cho rằng, dịch Covid-19 diễn biến nguy hiểm, song cũng chưa đến mức phải viện tới quỹ tài chính quan trọng bậc nhất của EU là ESM. Hôm 18-3, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố kế hoạch mới mang tên Chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch (PEPP). Theo đó, ECB chi tới 750 tỷ euro mua trái phiếu, giúp ứng phó rủi ro nghiêm trọng do dịch bệnh đối với cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ và triển vọng kinh tế Eurozone. Theo quan điểm của Hà Lan, hiện tại, quy mô gói hỗ trợ của ECB là đủ, chưa cần tới vốn của ESM. Với thành viên đầu tàu là Ðức, dù tuyên bố ủng hộ kích hoạt "điều khoản đoàn kết" trong hiệp ước của EU để đưa ra phản ứng toàn diện và nhanh chóng trước sự lây lan của dịch Covid-19, Berlin vẫn phản đối ý tưởng của Italy về "hành động tài chính", mà Berlin gọi đó là "trái phiếu corona". Nhìn chung, các quốc gia ở phía bắc và các nước giàu trong EU chưa hết bất bình về vấn đề vi phạm kỷ luật tài chính của một số thành viên ở phía nam, từng đẩy Eurozone vào cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng những năm đầu thập kỷ vừa qua.

Gần 10 năm đã qua, EU vẫn chưa thể quên những rối ren về tài chính, khởi phát từ tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng ở một số nước thành viên. Song, hơn ai hết, các nước EU cũng thấu hiểu những rắc rối họ đang nếm trải do đại dịch Covid-19. Ðể giúp các thành viên ứng phó dịch bệnh, lần đầu trong lịch sử, EU đã buộc phải "phá lệ", khi thông qua "điều khoản thoát hiểm", cho phép các nước thành viên tự do chi tiêu chống dịch, không còn bị giới hạn theo quy định mức trần thâm hụt ngân sách là 3%.

Mối nguy về suy thoái kinh tế đã được cảnh báo, cũng chẳng kém nghiêm trọng so với sức tàn phá của dịch Covid-19. Cuộc thảo luận về "giải cứu" các nền kinh tế Eurozone chắc chắn còn nhiều cam go.