Hy vọng nhen nhóm

Tròn một tháng sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở  thủ đô Bây-rút, các nhân viên cứu hộ Li-băng vẫn chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót bị vùi lấp trong đống đổ nát khi phát hiện vẫn có dấu hiệu của sự sống tại đây. Tia hy vọng nhỏ nhoi về sự sống cũng là động lực cho Li-băng nỗ lực tái thiết thủ đô, phục hồi nền kinh tế đất nước hiện chìm sâu vào khủng hoảng.

Một chú chó nghiệp vụ thuộc đội cứu hộ Chi-lê giúp Li-băng đã phát hiện dấu hiệu của người còn sống ở khu vực tòa nhà bị sập tại Bây-rút. Đội cứu hộ đã sử dụng thiết bị nghe nhịp tim, nhịp thở và nhận định có thể còn người sống sót dù hy vọng hết sức mong manh. Vụ nổ kinh hoàng xảy ra hôm 4-8 ở Bây-rút đã khiến 191 người thiệt mạng và hơn 6.500 người bị thương, gây thiệt hại ước tính hơn tám tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Li-băng cần khoản viện trợ tài chính từ 605 đến 760 triệu USD để nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ nổ. Quốc gia này cũng cần thêm từ 1,18 tỷ đến 1,46 tỷ USD trong năm 2021. Ở cấp kinh tế vĩ mô, “dư chấn” của vụ nổ có thể cảm nhận được qua những tổn thất kinh tế, khi một phần thủ đô bị phá hủy, giao thương bị gián đoạn dẫn đến tăng chi phí giao dịch ngoại thương và giảm doanh thu. Tăng trưởng kinh tế Li-băng từng được WB dự báo sẽ giảm 10,9%, GDP giảm thêm 0,4% trong năm nay và thêm 0,6% trong năm 2021. Ước tính, thảm họa tại cảng Bây-rút sẽ khiến thêm hàng chục nghìn người Li-băng mất nguồn thu, với hơn 70.000 người mất việc làm. 

Vụ nổ ở Bây-rút là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Li-băng vốn đã chìm sâu vào khủng hoảng. Chính phủ Li-băng không thể trả nợ, trong khi đồng nội tệ mất giá mạnh và tỷ lệ nghèo đói gia tăng. Đồng bảng Li-băng mất tới 78% giá trị và dự kiến tỷ lệ lạm phát trung bình hằng năm sẽ hơn 50% trong năm 2020. Hơn 55% dân số Li-băng rơi vào cảnh nghèo đói. 85% lương thực của Li-băng phụ thuộc nhập khẩu và việc kho chứa ngũ cốc lớn nhất bị phá huỷ sau vụ nổ khiến nước này bị nạn đói đe dọa. 

Bên cạnh nền kinh tế bị suy thoái trầm trọng, Li-băng cũng đối mặt thách thức trong việc duy trì ổn định trật tự an ninh, trong bối cảnh gần đây xảy ra đụng độ đẫm máu giữa hai nhóm giáo phái lớn ở nước này, làm dấy lên cảnh báo gia tăng bạo lực. Quân đội Li-băng đã tăng cường lực lượng ở nhiều khu vực thuộc thủ đô Bây-rút. Chịu sức ép của dư luận sau vụ nổ, Chính phủ của Thủ tướng H.Đi-áp đã phải từ chức và chính khách được chỉ định làm tân Thủ tướng Li-băng, ông M.A-đíp cam kết sẽ thành lập một chính phủ kỹ trị nhằm thúc đẩy các cải cách cần thiết.

Những nỗ lực “vượt bão” khủng hoảng của Li-băng phụ thuộc đáng kể vào nguồn viện trợ quốc tế. Tại hội nghị trực tuyến do Pháp và Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức tháng 8 vừa qua, cộng đồng quốc tế đã cam kết viện trợ khẩn cấp 252,7 triệu ơ-rô cho Li-băng. Trong chuyến thăm lần hai tới Li-băng trong vòng chưa đầy một tháng qua, Tổng thống Pháp E.Ma-crông tuyên bố sẵn sàng chủ trì hội nghị quốc tế thứ hai nhằm kêu gọi viện trợ cho Li-băng vào tháng 10 tới. Người đứng đầu Điện Ê-li-dê kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung vào tình trạng khẩn cấp tại Li-băng trong sáu tuần tới. Ông cho rằng, Li-băng cần phối hợp chặt chẽ với LHQ để có thể nhận được sự trợ giúp từ những nước khác. 

Li-băng đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. LHQ đã bắt đầu giải ngân 8,5 triệu USD từ Quỹ nhân đạo Li-băng (LHF) nhằm hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng từ vụ nổ ở thủ đô Bây-rút, trong khi cộng đồng quốc tế tiếp tục các hoạt động cứu trợ Li-băng. Khắc phục hậu quả sau thảm họa ở Bây-rút, cũng như đưa nền kinh tế Li-băng thoát khỏi suy thoái nghiêm trọng sẽ là nỗ lực vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế và “một chính phủ kỹ trị” đang được xúc tiến thành lập, niềm hy vọng về sự “hồi sinh” của Bây-rút và nền kinh tế Li-băng được nhen nhóm, giống như tia hy vọng trong công tác tìm kiếm khi sự sống vẫn xuất hiện trong đống đổ nát sau một tháng xảy ra vụ nổ.