Hy vọng mong manh

Nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới đều đang trải qua thời kỳ suy thoái bởi tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Làn sóng dịch thứ hai, thứ ba bùng phát ở nhiều nước có nguy cơ tạo cuộc khủng hoảng chưa từng có. Hy vọng về một cuộc “ngược dòng” là hết sức mong manh.

Số liệu về tăng trưởng GDP quý II năm nay của 13 trong 36 thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cũng như sáu nền kinh tế lớn khác gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin và Nam Phi, phản ánh một bức tranh chung mang gam màu tối của nền kinh tế toàn cầu. Nếu tính cả 14 nền kinh tế lớn có tên trong danh sách thống kê của OECD thì GDP trung bình của nhóm nước này trong quý vừa qua sụt giảm khoảng 9,5%. GDP quý II của Mỹ sụt giảm 9,5% so với quý I. Ðức, Pháp và Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ GDP sụt giảm ở mức hai con số, lần lượt là 10,1%, 13,8% và 18,5%. Trong khi đó, cường quốc số một thế giới bị hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ triển vọng kinh tế xuống mức "tiêu cực". Theo đó, nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 5,6% trong năm nay. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo, thâm hụt trong tài khóa này, tính đến hết ngày 30-9, sẽ ở mức cao nhất từ trước tới nay là 3.700 tỷ USD, cao hơn con số 984,4 tỷ USD năm 2019. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, quý II, nền kinh tế đầu tàu thế giới đã giảm tới 32,9%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1947. Chuỗi tăng trưởng kéo dài 11 năm liên tiếp, giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã chấm dứt khi kinh tế Mỹ giảm 5% trong quý I và chính thức rơi vào suy thoái.

Tại châu Âu, sản lượng kinh tế khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) cũng bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng đại dịch, GDP quý II-2020 của khu vực này giảm 12,1%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1995.

Ở châu Á, nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II của Nhật Bản sẽ giảm tới hơn 20% so với quý I. Lần đầu kể từ năm 2014, kinh tế Thái-lan trong quý I giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2019 và giảm 2,2% so với quý trước đó.

Theo báo cáo khảo sát về các nền kinh tế châu Á của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER), dự báo năm nền kinh tế lớn nhất Ðông - Nam Á, gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po và Thái-lan, sẽ lún sâu vào suy thoái, với dự báo tăng trưởng trong quý II là âm 7,8%. Xem ra, triển vọng kinh tế châu Á đang u ám hơn khi dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.

Theo dự báo, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi 4% vào năm 2021 nhờ chính sách ứng phó tài chính quy mô lớn. Các nhà phân tích dự đoán, GDP của Nhật Bản sẽ phục hồi, song nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nền kinh tế Ðức được cho là sẽ dần trở lại trong nửa cuối năm nay, với điều kiện số ca nhiễm không tăng trở lại. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Ðức (DIW), hoạt động kinh tế Ðức đã chạm đáy vào tháng 4 và có dấu hiệu phục hồi. Pháp đã đưa ra các biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch, giúp người dân đủ khả năng chi tiêu dù hàng triệu việc làm bị mất. Tây Ban Nha thông báo đang xin 209 tỷ ơ-rô từ gói viện trợ và phục hồi kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU). Chính phủ I-ta-li-a thông qua đề xuất chi tiêu bổ sung 25 tỷ ơ-rô nhằm hỗ trợ việc làm và thu nhập của người dân; nhưng kế hoạch này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng lên mức 11,9% GDP, mức cao nhất trong Eurozone, dẫn tới nợ công tăng lên mức 157,6% GDP.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các chuyên gia kinh tế đã dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 giảm 4%, tương đương khoảng 3.400 tỷ USD, bằng quy mô nền kinh tế Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a cộng lại. Mặc dù các nước, các khu vực đều tung ra gói kích thích kinh tế, song dự báo về triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm và thế giới sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể lấy lại đà tăng trưởng như thời kỳ trước khi bùng phát dịch Covid-19.