Hy vọng lụi tàn

Hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) dường như đã lụi tàn khi vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa hai bên kết thúc với kết quả gây thất vọng trên nhiều phương diện. Tiếp đó, EU tuyên bố rằng, động thái vi phạm thỏa thuận Brexit của Anh, dù là nhỏ nhất, cũng sẽ phá hủy nốt “sự tin cậy ít ỏi” còn sót lại giữa hai bên.

Cũng như các vòng đàm phán trước, Anh và EU không thể thu hẹp bất đồng để đi đến một thỏa thuận thương mại hậu Brexit.  Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU M.Bác-ni-ê cho biết, EU đã thể hiện sự linh hoạt trước yêu cầu của phía Anh về các vấn đề nghề cá và tư pháp tại Tòa công lý châu Âu cũng như nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Vương quốc Anh đã không thể hiện sự thiện chí có đi có lại đối với các nguyên tắc và lợi ích cơ bản của EU. Sự khác biệt lớn vẫn tồn tại trong các lĩnh vực được coi là mối quan tâm chủ chốt đối với EU.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Chính phủ Anh bất ngờ công bố dự luật mới có tên Dự luật Thị trường nội địa nhằm thay đổi thỏa thuận Brexit, trong đó thừa nhận khả năng sẽ vi phạm một số điều khoản của thỏa thuận. Luật mới của Anh, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ loại bỏ quyền của EU đối với việc kiểm tra và đánh thuế trong trường hợp EU và Anh không đạt được thỏa thuận, và quyền này được trao cho Chính phủ Anh nhằm ngăn chặn thương mại nội địa của Anh bị gián đoạn.

Phía EU phản đối gay gắt dự luật nêu trên và tuyên bố rằng, động thái vi phạm thỏa thuận Brexit của Anh, dù là nhỏ nhất, cũng sẽ phá hủy nốt “sự tin cậy ít ỏi” còn sót lại giữa hai bên. Ủy ban châu Âu (EC) đã ra tối hậu thư yêu cầu Chính phủ Anh rút lại Dự luật Thị trường nội địa, nhấn mạnh EU sẽ không do dự sử dụng luật pháp nếu yêu cầu này không được đáp ứng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen ngày 13-9 đã cảnh báo rằng, Anh phải có trách nhiệm và thực thi đầy đủ thỏa thuận Brexit. Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định: “Vi phạm luật pháp quốc tế là điều không thể chấp nhận được và điều đó không tạo ra được sự tin cậy mà chúng ta cần để xây dựng mối quan hệ trong tương lai”. Cùng với những cảnh báo nêu trên, EU chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận, còn gọi là “Brexit cứng”. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU M.Bác-ni-ê vừa cho biết EU đang nỗ lực chuẩn bị cho một “Brexit cứng”, sau khi vòng đàm phán thương mại mới nhất tiếp tục bế tắc.

Với tình hình nêu trên, giới phân tích nhận định, đàm phán hậu Brexit giữa Anh và EU xem ra đã “rơi xuống vực thẳm” và không thể cứu vãn. Ngay trong nội bộ EU cũng mâu thuẫn và không nhiều thành viên EU tin vào một “kết thúc có hậu” với tiến trình đàm phán thương mại Anh - EU. Trong khi Đức hy vọng Anh sẽ lùi bước để tránh “rơi xuống vực”, thì Pháp - một cường quốc trong khối EU - lại kịch liệt phản đối. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp nói: “Chúng ta đã sẵn sàng đàm phán với thiện chí, nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần cả hai phía, do đó chúng ta sẽ chờ đợi thiện chí của người đối thoại”. Mỹ, đối tác quan trọng của cả Anh và EU, hiện cũng không ủng hộ Dự luật Thị trường nội địa của Anh. Chủ tịch Hạ viện Mỹ N.Pê-lô-xi vừa nhấn mạnh rằng, Luân Đôn phải tôn trọng các điều khoản liên quan tới Bắc Ai-len trong thỏa thuận Brexit đã ký với EU. Bà cảnh báo, nếu Anh vi phạm thỏa thuận quốc tế này và Brexit làm ảnh hưởng tới thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành, chắc chắn sẽ không có cơ hội thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh được Quốc hội Mỹ thông qua.

Trong khi đó, giới doanh nghiệp châu Âu đang lo ngại một kịch bản “Brexit cứng” sẽ gây hậu quả nặng nề cho các ngành kinh tế, nhất là ngành ô-tô của châu lục. Các hiệp hội ngành sản xuất ô-tô của châu Âu và Anh đã kêu gọi hai bên nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do, đồng thời cảnh báo việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận sẽ gây thiệt hại 110 tỷ ơ-rô (130 tỷ USD) cho hoạt động buôn bán của ngành này trong 5 năm tới.

Trong bối cảnh kinh tế Anh và EU đang chật vật phục hồi tăng trưởng để thoát ra cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay, việc hứng chịu thêm tác động tiêu cực từ “Brexit cứng” là “họa vô đơn chí” với kinh tế cả hai bên. Tuy nhiên, với nước Anh, hậu quả có thể không chỉ là về kinh tế, mà còn là những mất mát về đối ngoại trong quan hệ với các đối tác, đồng minh quan trọng là EU và Mỹ.