Hệ lụy khôn lường

Từng được đánh giá là thành công lớn nhất về nỗ lực kiểm soát vũ khí thời chiến tranh lạnh, song Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã bị các bên ký kết hủy bỏ. Việc cả Mỹ và Nga đặt dấu chấm hết với hiệu lực của văn kiện này đã tạo ra hiệu ứng nguy hại, làm lung lay các cam kết an ninh toàn cầu.

Ngày 2-8 vừa qua đánh dấu sự sụp đổ của INF, sau khi Mỹ chính thức rút đi và Nga cũng chấm dứt hiệu lực của bản hiệp ước lịch sử này. Ðược các lãnh đạo Mỹ và Liên Xô (trước đây) ký ngày 8-12-1987, và có hiệu lực từ ngày 1-6-1988, INF được xem là một thỏa thuận hiệu quả về kiểm soát vũ khí. Theo thỏa thuận, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 đến 5.500 km). INF được ví là "tấm khiên" bảo vệ an ninh vững chắc đầu tiên đối với châu Âu khi loại bỏ hoàn toàn các tên lửa hạt nhân có khả năng thực hiện đòn tiến công hủy diệt trên toàn bộ châu lục này trong chưa đầy sáu phút, mà lãnh thổ bị tiến công gần như không có cơ hội đáp trả. Sau khi ký kết, cả Nga và Mỹ đã phá hủy hơn 2.600 tên lửa tầm trung và tầm ngắn, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kiểm soát vũ khí trên thế giới.

Những năm gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm liên tục cáo buộc Nga vi phạm INF, cho rằng Mát-xcơ-va tiến hành chế tạo loại vũ khí tiến công mà hai bên cam kết không sản xuất. Tháng 10-2018, Tổng thống Ð.Trăm nêu đích danh tên lửa "Novator 9M729" của Nga vượt qua các hạn chế theo quy định của INF. Ðáp lại, Mát-xcơ-va khẳng định không vi phạm Hiệp ước, do đó kiên quyết không tiêu hủy loại tên lửa này, đồng thời chỉ trích Oa-sinh-tơn "kiếm cớ" rút khỏi INF để phục vụ những toan tính riêng.

Các đồng minh thân cận của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) vốn không chịu ràng buộc với các quy định trong INF. Bởi thế, Mát-xcơ-va càng thận trọng hơn, khi NATO liên tục mở rộng sự hiện diện quân sự về phía đông, tới sát biên giới Nga.

Chấm dứt thực thi INF, song Nga nhấn mạnh, nếu Mỹ không triển khai tên lửa tầm trung ở một số khu vực, thì Nga cũng sẽ làm điều tương tự. Nhưng, Mát-xcơ-va cảnh báo, nếu có thông tin chính xác cho thấy Mỹ khởi động sản xuất các hệ thống tên lửa từng bị cấm theo INF, Nga sẽ buộc phải phát triển loại tên lửa này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga V.Pu-tin khẳng định, những bước đi của Mát-xcơ-va sẽ không bị coi là "hành động đơn phương", mà chỉ là động thái đáp trả.

Dường như không quan tâm phản ứng từ phía Nga, chỉ một ngày sau khi Mỹ rút khỏi INF, lãnh đạo Lầu năm góc M.E-xpơ cho biết, Mỹ sẽ sớm thử nghiệm các tên lửa mới và triển khai tới nhiều nơi trên thế giới. Oa-sinh-tơn muốn duy trì "răn đe" để có thể ngăn chặn xung đột ở bất kỳ khu vực nào, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều lời cảnh báo được đưa ra về "hiệu ứng đô-mi-nô" từ sự sụp đổ INF. Một loạt cấu trúc an ninh khu vực và toàn cầu đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, như Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START), Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), hay Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT). Cho rằng khả năng phát triển vũ khí bị hạn chế đáng kể do những ràng buộc từ các hiệp ước, Mỹ không giấu mong muốn thoát khỏi các "thỏa thuận cũ". Oa-sinh-tơn tuyên bố chưa có ý định gia hạn START mới, còn gọi là START-3, vốn hết hiệu lực vào tháng 2-2021, với lý do hiệp ước này "chưa hoàn thiện" và không còn phù hợp thực tế chiến lược hiện nay. Thế giới lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu, bởi lẽ không chỉ Nga và Mỹ tham gia, mà nhiều cường quốc vốn đang nỗ lực khẳng định vị thế cũng bị lôi kéo vào cuộc đua này.

Ðứng trước những hệ lụy khôn lường từ sự sụp đổ của INF, các nước trở nên thận trọng hơn với hoạt động an ninh và quân sự. Một loạt quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương phủ nhận việc Mỹ có kế hoạch lập căn cứ tên lửa mặt đất trên lãnh thổ của họ. Các thành viên NATO ở châu Âu không sốt sắng triển khai các dự án quân sự lớn để đối phó với Nga...

Bối cảnh an ninh quốc tế ngày một khó đoán định, các thỏa thuận, hiệp ước về giải trừ và kiểm soát vũ khí lại đang đứng trước nhiều thách thức. Bởi thế, việc bảo đảm ổn định và an ninh chiến lược toàn cầu cần nhiều hơn nữa nỗ lực của tất cả các quốc gia, nhất là những cường quốc quân sự.