Hàn gắn rạn nứt

Những người đứng đầu nhà nước, chính phủ và các quan chức từ sáu quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã tham dự Hội nghị lần thứ 40 của GCC, tại thủ đô Riyadh của A-rập Xê-út. Hàng loạt vấn đề “nóng”, từ tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh khu vực, tới việc tìm giải pháp nhằm tháo gỡ bế tắc cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài hơn hai năm qua, đã được các nhà lãnh đạo khu vực bàn thảo.

Hội nghị tại Riyadh lần này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bước sang năm thứ ba. Bất đồng giữa Qatar với bốn quốc gia A-rập ở vùng Vịnh, gồm A-rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập, bùng lên sau khi bốn nước này cáo buộc Qatar “hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp công việc nội bộ các nước trong khu vực”. Mâu thuẫn cuốn các nước vào cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng. Với việc đồng loạt tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao, thương mại và vận tải với Qatar, liên minh do A-rập Xê-út đứng đầu còn ra “tối hậu thư” với bản yêu sách gồm 13 điểm buộc Doha phải thực hiện, trong đó có việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cùng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar và hạ cấp quan hệ với Iran.

Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đẩy khu vực vào tình trạng chia rẽ sâu sắc, tác động tiêu cực tới nền kinh tế các nước. Lo ngại mâu thuẫn kéo dài gây ảnh hưởng tới khối thống nhất, đoàn kết ở khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng, Mỹ và Kuwait đã nỗ lực làm trung gian hòa giải. Tuy nhiên, nhóm các nước A-rập chưa rút lại các yêu cầu để khôi phục quan hệ ngoại giao và dỡ bỏ cấm vận chống Qatar.

Căng thẳng ở vùng Vịnh được kỳ vọng “hạ nhiệt” khi A-rập Xê-út gửi thư mời Qatar tham dự hội nghị tại Riyadh lần này. Đây là dấu hiệu tích cực đầu tiên, mở đường cho những bước tiếp theo nhằm giúp hai bên tiến tới hóa giải mâu thuẫn và bình thường hóa quan hệ. Qatar đã xúc tiến đối thoại với A-rập Xê-út, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ đạt kết quả tích cực. Cả hai bên đang nỗ lực chuyển từ thế đối đầu sang đối thoại vì tầm nhìn tương lai. Hợp tác giữa các nước GCC đã đưa thương mại nội khối tăng từ sáu tỷ USD năm 2003 lên 147 tỷ USD năm 2018. Đây là bước phát triển ngoạn mục trong hợp tác giữa các thành viên GCC. Bởi vậy, các nước không muốn cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo lùi sự phát triển chung. Tổng Thư ký GCC A.Al Zayani kêu gọi thúc đẩy thống nhất, hợp tác thông qua thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của GCC.

Sự đoàn kết của GCC được cho là nhân tố quyết định đối với an ninh khu vực. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, Mỹ lo ngại bất đồng giữa các đồng minh ở khu vực không chỉ đe dọa an ninh ở vùng biển chiến lược này mà còn ảnh hưởng tới các lợi ích của “xứ cờ hoa”. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, Washington hy vọng mâu thuẫn giữa các nước vùng Vịnh sớm kết thúc, để có được sự thống nhất giữa các đồng minh về những bước đối phó Iran. Một số nước trong GCC cùng Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các vụ tiến công tàu chở dầu ở vùng Vịnh hồi tháng 6 và hai cơ sở dầu mỏ của A-rập Xê-út tháng 9 vừa qua. Các nước trong khu vực đồng thuận giúp tạo thuận lợi để thành lập một liên minh do Mỹ đứng đầu nhằm bảo vệ Eo biển Hormuz, cũng như các vùng biển khác tại vùng Vịnh. Tới nay, các nước UAE, A-rập Xê-út, Bahrain đã tham gia liên minh này, trong khi Qatar và Kuwait mới đây cũng tuyên bố sẽ gia nhập. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là sau khi tướng lĩnh quân đội các nước vùng Vịnh kêu gọi nỗ lực đoàn kết giữa các lực lượng vũ trang sau các vụ tiến công tàu chở dầu và nhà máy lọc dầu ở khu vực.

Với những diễn biến liên quan vấn đề an ninh ở vùng Vịnh gần đây, việc các nước thành viên GCC có động thái hàn gắn rạn nứt trong quan hệ là điều dễ hiểu, phù hợp xu hướng tăng cường hợp tác ở khu vực. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Hội nghị cấp cao GCC lần này mới chỉ là những bước đi đầu trong nỗ lực phá thế bế tắc trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Nhiều vấn đề, mâu thuẫn vẫn cần thời gian để có thể hóa giải, nhất là khi cả hai phía vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình và khẳng định “có những điều không thể đưa ra trên bất kỳ bàn đàm phán nào”.