Bình luận quốc tế

Hàn gắn rạn nứt

Trong chuyến thăm chính thức của ông T.Erdogan tới Washington bắt đầu từ ngày 13-11 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ D.Trump đã hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Ông chủ Nhà trắng dùng những mỹ từ dành cho mối quan hệ đồng minh của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn trải qua không ít sóng gió. Đây được xem là cơ hội tốt để hai bên hàn gắn những rạn nứt trong nhiều vấn đề liên quan người Cuốc ở Syria, hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga mà Ankara đang thực hiện, cũng như thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương.

Trong buổi tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Nhà trắng, Tổng thống D.Trump đánh giá cao Tổng thống T.Erdogan và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một “đồng minh NATO tuyệt vời”. Ông D.Trump cho biết, cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo đã thành công và coi đây là một “cuộc đối thoại có tính xây dựng về hàng loạt vấn đề quan trọng”. Tổng thống D.Trump nói rằng, Tổng thống T.Erdogan nhận được sự tôn trọng cao trong khu vực và mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ rất hữu hảo. Những lời phát biểu tích cực của người đứng đầu Nhà trắng dành cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một tín hiệu lạc quan giúp xoa dịu căng thẳng trong quan hệ hai nước. Chuyến thăm của ông Erdogan diễn ra vào thời điểm mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều vướng mắc, khi hai bên tranh cãi về cuộc xung đột ở Syria và Hạ viện Mỹ thừa nhận nạn diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman cách đây một thế kỷ. Tuy nhiên, Tổng thống T.Erdogan nhấn mạnh rằng, bất chấp bất đồng, hai bên sẽ cải thiện quan hệ song phương.

Tổng thống D.Trump đưa ra những đánh giá khá lạc quan cho sự phối hợp giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria. Ông D.Trump cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian tại miền bắc Syria phức tạp, song tiến triển rất nhanh. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan đã đưa ra những đánh giá thận trọng hơn khi ông cho rằng, Washington cần làm nhiều hơn nữa để thực thi thỏa thuận ngừng bắn mà hai nước đạt được. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ ngừng cuộc tiến công quân sự nhằm vào lực lượng người Cuốc ở miền bắc Syria, để đổi lấy việc Washington cam kết sẽ gây ảnh hưởng để lực lượng người Cuốc rút khỏi “khu vực an toàn” được đề xuất. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng bất đồng sâu sắc về vấn đề người Cuốc ở Syria khi Washington hậu thuẫn lực lượng này còn Ankara lại coi họ là khủng bố.

Một trong những vấn đề quan trọng khác được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tập trung bàn thảo là việc giải tỏa những quan ngại từ phía Mỹ về việc Ankara bắt tay hợp tác với Nga. Mỹ từng bày tỏ thất vọng về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, điều mà Washington cho rằng có thể đe dọa sự an toàn của các máy bay chiến đấu F-35. Mỹ đã cảnh báo có thể áp đặt các lệnh trừng phạt nếu Ankara không từ bỏ thương vụ vũ khí này. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ coi việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga là một thách thức nghiêm trọng, song ông cũng bày tỏ lạc quan rằng vấn đề này sẽ được giải quyết. Nhằm xoa dịu sự tức giận của đồng minh, trước đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sẵn sàng mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ nếu các điều khoản trong hợp đồng mua bán này hợp lý.

Cho dù tồn tại những bất đồng chưa thể giải quyết trong “một sớm một chiều” thì giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần chứng tỏ sự cần thiết duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ để không làm tổn hại lợi ích của NATO, cũng như vì lợi ích của cả hai nước. Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều mong muốn có một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD. Các quan chức của Bộ Thương mại Mỹ đã có mặt tại Nhà trắng để thảo luận về hợp tác thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ bởi các cuộc thảo luận trước đó bị đình trệ sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ankara.

Có thể nói, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong giai đoạn khó khăn khi hai bên còn bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề, chuyến công du tới Washington lần này của Tổng thống T.Erdogan được coi là “chất xúc tác” giúp hàn gắn những rạn nứt giữa hai bên. Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thể hiện mong muốn bảo vệ các lợi ích chung không thể thay thế trong mối quan hệ đồng minh giữa hai thành viên NATO, cho dù những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng hiện nay không dễ dàng và còn đầy thách thức.