Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ

NDO -

Người dân Mỹ đang hướng tới ngày 20-1, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức nhậm chức. Với kinh nghiệm dày dặn và cam kết "Xây dựng lại tốt đẹp hơn", vị Tổng thống thứ 46 của "xứ cờ hoa" được kỳ vọng triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách tích cực, nỗ lực thu hẹp sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường, gắn kết người dân trong những nhiệm vụ khó khăn. 

Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ
cover.jpg -0

Người dân Mỹ đang hướng tới ngày 20-1, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức nhậm chức. Với kinh nghiệm dày dặn và cam kết "Xây dựng lại tốt đẹp hơn", vị Tổng thống thứ 46 của "xứ cờ hoa" được kỳ vọng triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách tích cực, nỗ lực thu hẹp sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường, gắn kết người dân trong những nhiệm vụ khó khăn. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là sớm đưa nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng đa chiều do đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế số một thế giới.

Đường tới Nhà trắng

Những năm tháng ở Thượng viện 

Joseph Robinette Biden Jr sinh ngày 20-11-1942, tại Scranton, bang Pennsylvania; và là anh cả trong gia đình có bốn anh chị em. Năm ông 10 tuổi, gia đình chuyển tới sinh sống tại Wilmington, bang Delaware, nơi cha ông tìm được công việc bán xe hơi. Biden theo học tại một loạt trường Công giáo, trong đó có trường trung học dự bị ưu tú của Học viện Archemre. Năm 1965, ông tốt nghiệp Đại học Delaware với bằng kép chuyên ngành lịch sử và khoa học chính trị; ba năm sau, ông lấy bằng luật của Đại học Syracuse. Sau khi tốt nghiệp trường luật, Biden trở lại Wilmington làm luật sư. Năm 1966, Joe Biden kết hôn với Neilia Hunter và có ba người con. 

 
Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ -0
Joe Biden là con cả trong gia đình có bốn người con. (Ảnh: Joebiden.com)

Sự nghiệp chính trị bắt đầu khá sớm, tính từ mốc năm 1970, khi ông Biden thắng cử lần đầu vào Hội đồng Quận New Castle. Hai năm sau, ông bất ngờ vượt qua nghị sĩ đương nhiệm thuộc đảng Cộng hòa J. Caleb Boggs trong cuộc chạy đua giành ghế Thượng nghị sĩ đại diện bang Delaware, trở thành thượng nghị sĩ trẻ tuổi thứ năm trong lịch sử Mỹ, khi mới 30 tuổi. 

Tuy nhiên, bi kịch xảy ra trước khi ông tuyên thệ nhậm chức. Tháng 12-1972, vợ và con gái 13 tháng tuổi của ông thiệt mạng, hai con trai nhập viện sau vụ tai nạn giao thông. Thay vì chuyển đến Washington, D.C., ông Biden quyết định đi làm bằng tàu hằng ngày để dành nhiều thời gian hơn cho hai con trai. Joe Biden tái hôn năm 1977 với Jill Jacobs, một giáo viên trung học và có thêm một người con gái.

Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ -0
 Thượng nghị sĩ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức bên giường bệnh của con trai ông tại một bệnh viện ở TP Wilmington, ngày 5-1-1973. (Ảnh: AP)

Đến năm 2015, ông lại nhận tin buồn, khi người con trai cả Beau Biden, thời điểm đó là Tổng Chưởng lý bang Delaware, qua đời ở tuổi 45 vì ung thư não. Mất đi người thân là một trong những lý do thôi thúc ông luôn ưu tiên vấn đề y tế và từng rất nỗ lực bảo vệ Đạo luật về chăm sóc sức khỏe giá rẻ, còn gọi là chính sách Obamacare.

Tiếp tục trúng cử ghế Thượng nghị sĩ năm 1978 và tái đắc cử năm lần sau đó, ông Biden đã trải qua hàng chục năm tại Thượng viện Mỹ, trong đó có tám năm làm Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và bốn năm làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Trong vai trò Thượng nghị sĩ, Biden thúc đẩy xây dựng các văn bản luật về chống bạo lực gia đình, chống tội phạm, cấm vũ khí tiến công và trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ buôn bán ma túy, đồng thời nỗ lực duy trì môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông cũng được biết đến với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại. Từng bỏ phiếu ủng hộ sử dụng vũ lực với Iraq, song sau đó ông lại là người chỉ trích chính quyền của George W. Bush về cách thức xử lý xung đột...

Nỗ lực chạy đua vào "ghế nóng"

Tháng 6-1987, Joe Biden khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống lần đầu, hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 1988. Tuy nhiên, tham vọng của ông trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất nước Mỹ (sau cố Tổng thống John F.Kennedy) đã không thành công. Ông rút lui vào tháng 9-1988 để tập trung cho công việc tại Thượng viện. Tháng 2 năm sau, ông suy sụp vì chứng phình động mạch não đe dọa tính mạng, phải trải qua hai cuộc phẫu thuật và nghỉ phép bảy tháng tại Thượng viện.

20 năm sau, trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2008, ông Biden khởi động nỗ lực thứ hai chạy đua vào Nhà trắng, nhưng cũng phải bỏ cuộc khi chỉ giành được 1% số phiếu đại biểu trong cuộc họp kín của đảng Dân chủ ở bang Iowa. Sau khi giành được đề cử của đảng Dân chủ, ứng cử viên Tổng thống Barack Obama đã chọn Biden tham gia liên danh tranh cử. Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-2008, cặp đôi tranh cử Obama - Biden đã vượt qua các đối thủ bên đảng Cộng hòa là John McCain và Sarah Palin, với 52,9% số phiếu phổ thông. Năm 2012, họ tiếp tục đánh bại các đối thủ phía đảng Cộng hòa là Mitt Romney và người bạn đồng hành Paul Ryan.

Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ -0
Những chuyến tàu gắn liền với sự nghiệp chính trị của ông Biden. (Ảnh: Buildbackbetter, AP)

Sau khi nhậm chức vào tháng 1-2009 với tư cách là Phó Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Biden được giao trách nhiệm giám sát gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD, điều hành một lực lượng đặc biệt và nỗ lực khôi phục Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược với Nga. Ông cũng đóng vai trò cố vấn quan trọng về các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan. Sau chiến thắng trong những cuộc bầu cử các năm 2008 và 2012, ông đảm nhận cương vị Phó Tổng thống trong suốt tám năm, góp phần xây dựng và thúc đẩy một số chính sách quan trọng của Tổng thống Obama, như đạo luật Obamacare, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau cuộc đại suy thoái giai đoạn 2008-2009, cùng nhiều đạo luật về thuế và tài chính. Năm 2016, ông Biden cân nhắc một lần nữa chạy đua vào "ghế nóng", song cái chết của người con trai cả đã làm giảm tham vọng chính trị của ông. 

Chiến thắng cho nỗ lực bền bỉ

Ngày 25-4-2019, ông Biden chính thức công bố quyết định tranh cử Tổng thống, bước vào cuộc chạy đua với 28 ứng cử viên của đảng Dân chủ. Với vị thế một Phó Tổng thống nhiều kinh nghiệm, ông nổi lên trong cuộc lựa chọn nội bộ đảng Dân chủ, một cuộc bầu cử sơ bộ đông đúc, với sự cạnh tranh giữa các chính sách của một Biden ôn hòa với các ứng cử viên tiến bộ, như Bernie Sanders và Elizabeth Warren. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông luôn nhấn mạnh về xuất thân từ tầng lớp lao động, tương phản với môi trường trưởng thành giàu có của đối thủ bên đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Ông Biden thường dẫn lời cha ông nói rằng: "Thước đo cho một người đàn ông không phải là tần suất bị đánh gục, mà là cách anh ta đứng dậy nhanh như thế nào". 

Từ vị thế ban đầu đứng hàng sau trong cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ, tên Joe Biden nhanh chóng vượt lên, với chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Nam Carolina cuối tháng 2-2020. Góp phần quan trọng trong chiến thắng của ông là sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri người Mỹ gốc Phi. Sau đó, ông giành đa số phiếu đại biểu trong cuộc bỏ phiếu "siêu thứ ba" hồi đầu tháng 3-2020.

Tháng 5-2020, ông đến Houston gặp gia đình của George Floyd, người đàn ông da màu chết vì hành động của cảnh sát da trắng. Đây là chuyến đi quan trọng đầu tiên của ông bên ngoài Delaware kể từ khi chuyển hướng chiến dịch tranh cử tách khỏi các sự kiện công cộng do đại dịch Covid-19. Khi cuộc biểu tình phản đối hành động của cảnh sát leo thang thành bạo lực, ông Biden lên tiếng phản đối phân biệt chủng tộc, song kêu gọi hàn gắn đất nước, với lập luận rằng: "Chúng ta phẫn nộ, nhưng không để bị cơn thịnh nộ tiêu diệt. Chúng ta mệt mỏi, nhưng không để bị sự kiệt quệ đánh bại".

Ngày 11-8-2020, khi công bố cái tên Kamala Harris trong liên danh tranh cử, ông Biden nói: "Tôi cần một người thông minh, cứng rắn và sẵn sàng tâm thế lãnh đạo bên cạnh tôi. Kamala là người đó". Với sự lựa chọn của ông Biden, bà Kamala Harris trở thành người phụ nữ da màu và người Mỹ gốc Á đầu tiên có tên trên tấm vé đại diện tranh cử Phó Tổng thống Mỹ.

Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ -0

Bốn ngày sau cuộc bỏ phiếu chính thức, ngày 7-11-2020, Joe Biden được truyền thông công bố là người chiến thắng. Không chấp thuận kết quả, đối thủ Donal Trump gây sức ép với các quan chức bầu cử và khiếu nại trong hơn 50 vụ kiện lên các tòa án bang và liên bang với cáo buộc "có gian lận lớn". Không có tòa án nào phán quyết có bằng chứng về gian lận và vi phạm đáng kể. Ngày 14-12-2020, Cử tri đoàn chính thức xác nhận ông Joe Biden đắc cử Tổng thống.

Trong một sự cố "vô tiền khoáng hậu", phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021 bị gián đoạn do cuộc biểu tình bạo loạn nhằm vào Đồi Capitol. Song, ngày 7-1-2021, Quốc hội Mỹ đã xác nhận kết quả bỏ phiếu của Cử tri đoàn, chính thức tuyên bố ông Joe Biden là Tổng thống thứ 46 của Mỹ, khép lại cuộc bầu cử nhiều điều bất thường ở "xứ cờ hoa".

 Thách thức trên chặng tới

Đoàn kết, xây dựng lại tốt đẹp hơn

"Xây dựng lại tốt đẹp hơn" (Build back better) là khẩu hiệu tranh cử xuyên suốt của ông Biden. Phát biểu khi tiếp nhận đề cử của đảng Dân chủ, ứng cử viên Biden đã đề cao sự đoàn kết để đưa nước Mỹ vượt qua thời kỳ mà ông nhận định là đen tối, đồng thời cam kết nỗ lực để đem đến tương lai tươi sáng hơn cho đất nước. Khi truyền thông công bố chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Biden tuyên bố: Đã đến lúc gạt bỏ bất đồng, để gặp nhau và lắng nghe nhau. Mọi người Mỹ bất kể màu da và giới tính cần gạt sang bên định kiến về "bang đỏ, bang xanh", để đoàn kết, cùng nhau xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn. Một ngày sau khi được Quốc hội xác nhận trở thành nhà lãnh đạo mới của Nhà trắng, ông Biden nhắc lại mục tiêu đoàn kết quốc gia, hàn gắn chia rẽ đảng phái và xã hội Mỹ. Kế hoạch đầu tiên trong chính sách "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" đó là chương trình giải cứu kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống chọi đại dịch và sớm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19.

Nhiệm vụ hàn gắn càng trở nên cấp bách trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ sâu sắc trong kỳ bầu cử vừa qua. Giới quan sát chỉ rõ, khó khăn kinh tế do đại dịch càng làm tăng khoảng cách giàu nghèo vốn do tác động của toàn cầu hóa, khiến tâm lý bất an và bất mãn thường trực trong xã hội Mỹ. Tới đây, sự đối đầu giữa các nhóm xã hội còn tăng, trào lưu dân túy tiếp tục khiến bầu không khí chính trị phức tạp. Cục diện này khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. 

Nội bộ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn sẽ khiến tranh giành phe phái nghiêm trọng hơn. Trong thời gian bầu cử, những mâu thuẫn này bị kiềm chế bởi mục tiêu thống thất được đề cao, song sắp tới, mâu thuẫn nội bộ sẽ trở lại. Trong khi đó, tương quan lực lượng giữa hai đảng hiện khá cân bằng, nên đối đầu hai phe là khó tránh khỏi; thực trạng chính trường chia rẽ và tòa án tối cao bị phe bảo thủ kiểm soát sẽ khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden gặp nhiều khó khăn. Thực tế, đảng Cộng hòa không thất bại hoàn toàn trong cuộc bầu cử vừa qua, thậm chí còn giảm được thế bất lợi tại Hạ viện. Đây sẽ là áp lực lớn với đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Ưu tiên số một của chính quyền mới là đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua, từ đó từng bước vực dậy kinh tế vốn bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ông Biden cam kết triển khai thêm nhiều biện pháp hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp nhỏ, trong đó có nỗ lực tăng lương tối thiểu, cấp "séc hỗ trợ" cho người đóng thuế và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng Covid-19 cho người dân. Nhiệm vụ đầu tiên của Tổng thống đắc cử là nhanh chóng hoàn tất bộ máy chính quyền, bảo đảm đại diện cho sự đa dạng của xã hội Mỹ, qua đó có thể từng bước hàn gắn chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính trị - xã hội, xoa dịu bất đồng phe phái ở "xứ cờ hoa". 

Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ -0
Ông Biden tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 12-2020 để trấn an người dân về mức độ an toàn của vaccine này. (Ảnh: Getty Images) 

Trong mục tiêu đối ngoại, ông Biden từng cam kết tạo ra "làn sóng thay đổi", sớm khôi phục vị thế quốc tế của Mỹ, bằng cách trở lại tham gia các thỏa thuận, cơ chế đa phương và toàn cầu. Để triển khai mục tiêu đó, ông Biden phải nhanh chóng bổ nhiệm các nhà ngoại giao chuyên nghiệp làm đại diện tại các địa bàn trọng yếu, thúc đẩy nỗ lực hàn gắn rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh, đối tác và cộng đồng quốc tế, từng bước khôi phục uy tín và vai trò dẫn dắt của cường quốc số 1 thế giới. Đây thật sự là thách thức lớn, đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực lưỡng đảng, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân Mỹ.

Khôi phục vị thế
lãnh đạo toàn cầu

Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhiều so hàng thập niên trước, Covid-19 tạo đáy suy thoái mới cho nền kinh tế toàn cầu vốn chịu sức ép lớn do bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo. Đại dịch là thí dụ điển hình về thách thức xuyên biên giới mà những nỗ lực đơn lẻ không thể giải quyết một cách hiệu quả. Tương tự, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, những nỗ lực riêng rẽ cũng khó ngăn chặn nguy cơ tiến trình trở thành "không thể đảo ngược". Trong bối cảnh ấy, hợp tác là cách thức tốt nhất, hiệu quả nhất. 

Nước Mỹ có chính quyền mới, được kỳ vọng chấm dứt khoảng thời gian Washington xa rời hợp tác quốc tế và rút lại tham gia các cơ chế đa phương. Hy vọng nhen nhóm từ cam kết của ông Biden đảo chiều chính sách của người tiền nhiệm, như rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, hay Hiệp ước Bầu trời mở... Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS News, Tonny Blinken - người được đề cử vào chức Bộ trưởng Ngoại giao - nói rằng, Joe Biden sẽ khẳng định lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Nước Mỹ sẽ thật sự trở lại với các vấn đề chung, duy trì hoạt động can dự tích cực.

Bác bỏ cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" trong chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa đơn phương, xu hướng biệt lập, ông Biden được cho là sẽ tìm cách củng cố các mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược trên toàn cầu, thúc đẩy hợp tác với cộng đồng quốc tế, ít nhất trong việc ứng phó đại dịch và chống biến đổi khí hậu. Trong thời gian Mỹ "quay lưng" vừa qua, các đồng minh của Mỹ đã chuẩn bị cho mình con đường riêng, bằng cách triển khai và ủng hộ các sáng kiến đa phương.

Chẳng hạn, Đức và Pháp thúc đẩy một "liên minh chủ nghĩa đa phương" để ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ; tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran và khơi lại ý tưởng về một "châu Âu tự lực" và giảm phụ thuộc "ô an ninh" của Mỹ. Nhật Bản và Australia cùng chín quốc gia ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà không có Mỹ và cùng ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng không có Mỹ, nhưng có Trung Quốc...

Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia có nền kinh tế và quân đội hùng mạnh nhất thế giới, các đồng minh nhất là ở châu Âu vẫn cần sự ủng hộ của Mỹ. Ở chiều ngược lại, mạng lưới đồng minh, đối tác được xem là lực lượng đa tầng thúc đẩy lợi ích của Mỹ trên toàn cầu, trong bối cảnh hiện nay, mạng lưới ấy càng trở nên quan trọng hơn.

Một trong những điểm nhấn trong mạng lưới đồng minh, đối tác của Mỹ là sáng kiến về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tiên phong trong ý tưởng cùng Australia, Nhật Bản và Ấn Độ hình thành "Bộ tứ" hay "Quad" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tới đây Mỹ sẽ phải khôi phục các cam kết với đồng minh, mà cách thức tốt nhất là thực hiện hiệu quả các cam kết đó, trong việc thúc đẩy an ninh và hợp tác tại khu vực. Với NATO, mục tiêu của ông Biden là thúc đẩy khái niệm hợp tác chiến lược mới trong "kỷ nguyên hậu Covid-19", bao gồm cả các biện pháp tích cực nhằm kiềm chế Trung Quốc, Nga hay đối phó Triều Tiên, Iran... Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc làm mới các mối quan hệ đồng minh, đối tác không đơn thuần chỉ là thay đổi quan điểm theo hướng thân thiện hơn.

Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ -0
Ông Biden đề cử các vị trí trong đội ngũ phụ trách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại trong chính quyền mới của ông. (Ảnh: Reuters) 

Bản thân ông Biden xuất thân và trưởng thành trong ngành ngoại giao đa phương, những cố vấn an ninh quốc gia, cố vấn chính sách đối ngoại được ông lựa chọn cũng là những người theo chủ nghĩa đa phương, những người tin rằng việc Mỹ đóng vai trò trung tâm trong các thể chế quốc tế không chỉ giúp củng cố an ninh và thịnh vượng toàn cầu, mà còn thúc đẩy lợi ích quốc gia của chính nước Mỹ. Đây là tin tốt lành với các đồng minh, đối tác của Mỹ, khi Mỹ tiếp tục thúc đẩy lợi ích thông qua phối hợp trong những liên minh, cấu trúc có sẵn. Triển vọng Mỹ nâng cấp các cam kết đa phương là điều chờ đợi nhiều nhất, trong đó có các tổ chức, diễn đàn ở khu vực như ASEAN, APEC. Việc theo đuổi các mối quan hệ sâu sắc hơn với đồng minh, đối tác thân cận còn giúp Mỹ củng cố sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy các chính sách đối ngoại ưu tiên, thông qua các tổ chức như Liên hợp quốc, G20, OECD...

Tìm lại ảnh hưởng
trong thương mại

Là người theo chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, ưu tiên chủ trương "mua hàng Mỹ" và sản xuất trong nước, ông Biden được cho là đặt trọng tâm chính sách thương mại vào các vấn đề như thu nhập của tầng lớp trung lưu, việc làm và hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất. Chính sách thương mại dưới thời chính quyền Biden sắp tới cơ bản tương đồng với chính sách "Nước Mỹ trước tiên", thậm chí còn được cho là tiếp nối chính sách thương mại của chính quyền tiền nhiệm. 

Tuy nhiên, là người ủng hộ chủ nghĩa đa phương, là thượng nghị sĩ quan tâm sâu sắc các mối quan hệ quốc tế, ông Biden được cho là nhìn nhận vấn đề thương mại qua lăng kính chính sách đối ngoại. Trước mắt, ông có thể rà soát các biện pháp thương mại của người tiền nhiệm, gồm thuế quan, kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt kinh tế, viện dẫn những ngoại lệ về an ninh quốc gia, điều tra phòng vệ thương mại..., với mục tiêu đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp này.

Việc tái lập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay gia nhập CPTPP cho thấy nước Mỹ sẵn sàng lấy lại vai trò lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực thương mại. Ông Biden được kỳ vọng giúp nước Mỹ bắt kịp chuyến tàu CPTPP, hoặc khích lệ Trung Quốc cùng tham gia và tuân thủ các quy tắc do Mỹ đặt ra. Tuy nhiên, đây sẽ không là ưu tiên của ông Biden.

Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ -0
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021. (Ảnh: Buildbackbetter)

Theo nhận định chung của giới chuyên gia, chính quyền của ông Biden sẽ có cách tiếp cận mang tính xây dựng và sẽ tái can dự hệ thống thương mại đa phương thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trung Quốc sẽ vẫn là điểm nhấn nổi bật trong chính sách thương mại của chính quyền mới ở Mỹ. Trong đó, ông Biden được cho là tương đồng quan điểm với người tiền nhiệm về những mối lo ngại liên quan các vấn đề trợ cấp, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và an ninh quốc gia. Ông Biden sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn, song có cách tiếp cận đa phương hơn trong vấn đề Trung Quốc, tìm kiếm hợp tác với đồng minh, thúc đẩy cải cách WTO và tạo sân chơi thương mại bình đẳng hơn.

Dự báo, xung đột thương mại vẫn tiếp diễn trong nhiệm kỳ của ông Biden. Song, với tư cách người theo chủ nghĩa toàn cầu và ủng hộ xây dựng liên minh, ông Biden sẽ có sự điều chỉnh, dẫn đến những thay đổi. Chính sách thương mại dưới thời ông Biden được kỳ vọng mang tính hợp tác cao hơn, thúc đẩy thay đổi chính sách thương mại của Mỹ, góp phần cải cách hệ thống thương mại đa phương và tái cân bằng quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Hàn gắn chia rẽ, khôi phục vị thế nước Mỹ -0

Ngày xuất bản: 15-1-2021

Nội dung: SƠN NINH   

Thiết kế, đồ họa: ĐỨC DUY - HOÀNG HÀ