Gỡ dần nút thắt

Hội nghị cấp cao bốn bên về giải quyết cuộc khủng hoảng ở U-crai-na đã được ấn định tổ chức, lần đầu kể từ khi bị đình trệ năm 2016. Dù còn những nghi ngại và bất đồng, việc các bên hoàn tất rút lực lượng khỏi vùng ranh giới ở miền đông U-crai-na đã giúp gỡ “nút thắt”, dọn đường nối lại đàm phán theo “thể thức Noóc-man-đi”, tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua ở quốc gia Ðông Âu này.

Văn phòng Tổng thống Pháp hôm 16-11 ra thông báo xác nhận, U-crai-na, Nga, Pháp và Ðức sẽ tiến hành hội nghị cấp cao theo “định dạng Noóc-man-đi” tại Pa-ri, dự kiến ngày 9-12 tới, nhằm thảo luận về tình hình U-crai-na. Trong thông báo, điện Ê-li-dê nêu rõ, tại hội nghị bốn bên này, Tổng thống Pháp E.Ma-crông, Thủ tướng Ðức A.Méc-ken, Tổng thống Nga V.Pu-tin và Tổng thống U-crai-na V.Dê-len-xki cùng thảo luận về các bước đi tiếp theo nhằm thực thi Thỏa thuận Min-xcơ về khôi phục hòa bình ở miền đông U-crai-na. Ðây sẽ là hội nghị cấp cao đầu tiên của Nhóm Noóc-man-đi kể từ sau cuộc gặp của bốn nhà lãnh đạo tại Béc-lin (Ðức) năm 2016.

Hội nghị cấp cao bốn bên về hòa bình U-crai-na được ấn định tổ chức sau một loạt tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa các bên vài tháng gần đây, cũng như những bước đi tích cực tại thực địa ở miền đông U-crai-na. Trong đó, nổi bật nhất là việc quân đội và các lực lượng đòi ly khai ráo riết triển khai việc rút lực lượng và vũ khí khỏi các giới tuyến tại hai vùng lãnh thổ tự xưng Cộng hòa nhân dân Ðô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ ở miền đông. Việc rút quân khỏi vùng xung đột được xem là “rào cản cuối cùng” phải tháo gỡ trước khi lãnh đạo bốn nước có thể nối lại khuôn khổ đàm phán Noóc-man-đi.

Khởi động từ cuối tháng 10, đến ngày 11-11 vừa qua, quân đội Ki-ép và các lực lượng đòi độc lập đã hoàn tất việc rút lực lượng và khí tài khỏi Zolote-4, giới tuyến chủ chốt ở miền đông và là khu vực cuối cùng cần rút quân theo Thỏa thuận Min-xcơ năm 2016.

Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) xác nhận và hoan nghênh đợt rút quân cuối cùng này là bước đột phá, mở ra cơ hội nối lại các cuộc đàm phán ở cấp cao về khôi phục hòa bình tại vùng xung đột này. Nga cũng hoan nghênh nỗ lực của chính quyền U-crai-na và những tiến triển tích cực nhằm giải quyết các điểm nóng ở vùng Ðôn-bát.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, chính quyền Ki-ép đã ký thỏa thuận với các nhóm vũ trang nổi dậy ở miền đông, theo đó trao quy chế tự trị đặc biệt cho Ðô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ, cho phép các vùng lãnh thổ đòi ly khai này tổ chức bầu cử theo khuôn khổ Hiến pháp U-crai-na. Ðây được xem là những thành công mới nhất trong nỗ lực ổn định đất nước của Tổng thống V.Dê-len-xki. Với quyết định trao quy chế tự trị đặc biệt, cùng thỏa thuận rút quân trên thực địa, chính quyền Ki-ép đạt hai mục tiêu: Giữ được Ðô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ trong lãnh thổ U-crai-na; và quan trọng hơn, khôi phục “đàm phán Noóc-man-đi” vốn được đánh giá là hiệu quả.

Kéo dài suốt 5 năm qua, cuộc khủng hoảng ở U-crai-na đến nay vẫn chưa ra khỏi “mớ bòng bong”, mà nút thắt khó gỡ nhất là ý tưởng ly khai của các nhóm dân tộc cực đoan ở miền đông. Từ khi tranh cử đến khi lên nắm quyền tháng 5-2019, Tổng thống V.Dê-len-xki luôn bảo lưu chủ ý là ưu tiên chấm dứt xung đột và xu hướng ly khai ở các vùng lãnh thổ miền đông đất nước, với giải pháp chính trị, chứ không viện tới vũ lực. Tổng thống U-crai-na cũng khéo léo xử lý các mối quan hệ giữa Ki-ép với Mát-xcơ-va và với giới lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU), trong bối cảnh Nga và EU có mối quan hệ không “thuận buồm xuôi gió”. Ông Dê-len-xki chủ động điện đàm với Tổng thống Nga V.Pu-tin, tìm cách “cài đặt lại” quan hệ hai nước láng giềng. Nỗ lực ấy đem lại thành quả đầu tiên là thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa U-crai-na và Nga. Tổng thống U-crai-na cũng khéo léo tranh thủ thiện chí của các lãnh đạo Pháp và Ðức, hai nước EU đi đầu trong nỗ lực trung gian giải quyết cuộc xung đột khiến khoảng 13.000 người chết ở U-crai-na.

Thể thức đàm phán Noóc-man-đi được các bên đánh giá là cơ chế thương lượng hiệu quả, từng đưa tới các bản thỏa thuận vạch rõ các bước đi mang tính quyết định cho việc khôi phục hòa bình ở miền đông U-crai-na. Việc các bên tuân thủ thỏa thuận năm 2016, hoàn tất việc rút lực lượng khỏi các khu vực giới tuyến xung đột đã góp phần giúp gỡ nút thắt khó khăn nhất. Song, điều này không đồng nghĩa đã hết khó khăn. Không chỉ là tình hình thực địa chưa thật sự ổn định và phản ứng từ các nhóm dân tộc cực đoan ở miền đông U-crai-na. Ðiều quan trọng là các bên cần gây dựng lòng tin, thể hiện thiện chí thật sự trong đàm phán. Bên cạnh đó, nỗ lực giải quyết khủng hoảng U-crai-na cũng còn phụ thuộc tiến triển trong việc cải thiện quan hệ giữa U-crai-na và Nga, cũng như giữa EU với Nga.