Gian nan đường tới hòa bình

Gần 18 năm trôi qua kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ, song trên đất nước Afghanistan không có nhiều khoảng lặng bình yên. Triển vọng đối thoại hòa giải dân tộc mờ mịt, cùng tình trạng bạo lực leo thang đang phủ bóng lên cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra hôm nay 28-9.

Đây là kỳ bỏ phiếu lựa chọn nhà lãnh đạo quốc gia lần thứ tư tại Afghanistan, kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ cuối năm 2001. Song, khi đất nước vẫn chìm trong bạo lực và bất ổn, tiến trình hòa giải dân tộc chưa được khởi động và cuộc đàm phán giữa lực lượng Taliban với Mỹ chưa có kết quả, cử tri Afghanistan dường như không còn dành mối quan tâm hàng đầu xem ai sẽ là người chiến thắng, để điều hành quốc gia trong 5 năm tới. Điều quan trọng là an ninh của đất nước, an toàn của người dân, và đó cũng chính là “bài toán khó” mà dù ai lên nắm quyền cũng không dễ tìm được lời giải. Với người dân Afghanistan, hòa bình dù mong manh vẫn là mong mỏi lớn nhất, ổn định lâu dài và giảm sự can dự của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ đất nước vẫn là mục tiêu hàng đầu.

Bạo lực và khủng bố là thách thức lớn nhất với Afghanistan lúc này. Bạo lực xảy ra hầu như hằng ngày từ sau khi chiến dịch tranh cử tổng thống khởi động hai tháng trước, càng gần ngày cử tri đi bỏ phiếu càng leo thang nghiêm trọng. Các vụ tiến công nhằm những sự kiện vận động cử tri của các ứng cử viên khiến nhiều người chết, trong khi Taliban đe dọa tẩy chay và phá hoại cuộc bầu cử. Ngay trước ngày bầu cử, hàng nghìn điểm bỏ phiếu đã phải đóng cửa, do lo ngại bị Taliban đánh bom, thậm chí tiến công bằng tên lửa. Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan hôm nay bị hoãn tới hai lần, chủ yếu cũng vì lý do bạo lực. Hơn một trăm nghìn cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai tại các điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên, cùng an ninh bất ổn, dư âm kỳ bầu cử tổng thống năm 2014, cộng thêm tranh cãi kéo dài về kết quả bầu cử Quốc hội năm 2018 vốn cũng bị trì hoãn tới ba năm, đang dấy lên nghi ngại về triển vọng thành công của cuộc bầu cử lần này.

Có 18 ứng cử viên tham gia tranh chức Tổng thống Afghanistan nhiệm kỳ tới, song cuộc bầu cử vẫn được xem là “cuộc đua song mã” giữa hai đối thủ là Tổng thống đương nhiệm A.Ghani và ông A.Abdullah - Quan chức điều hành cấp cao chính quyền (chức vụ tương đương Thủ tướng). 5 năm trước, ông A.Ghani bị đánh giá là có “chiến thắng thiếu thuyết phục” trước đối thủ A.Abdullah, kéo theo cuộc giằng co quyền lực giữa hai nhà lãnh đạo. Cáo buộc gian lận phiếu bầu buộc ông A.Ghani phải chia sẻ quyền lực với đối thủ theo một thỏa thuận do Mỹ dàn xếp, theo đó lần đầu lập ra một chức danh đặc biệt là “nhà điều hành cấp cao” của chính phủ dành cho ông A.Abdullah.

Vì thế, không thể loại trừ khả năng lặp lại kịch bản cũ trong “màn tái đấu” giữa hai đối thủ kỳ cựu lần này. Dù hầu hết kết quả khảo sát cho rằng vị tổng thống đương nhiệm có thể chiến thắng dễ dàng, song thực tế, ông A.Ghani vẫn ở thế bất lợi, với không nhiều thành công trong nhiệm kỳ vừa qua. Nỗ lực xây dựng hình ảnh bản thân như một nhà kỹ trị cải cách, với tầm nhìn chiến lược về kinh tế và hiện đại hóa, song ông A.Ghani lại bị chỉ trích là nhà lãnh đạo thiếu kiên nhẫn và bị cô lập. Đàm phán với Taliban được xem như chìa khóa cho hòa bình của Afghanistan, song nỗ lực của ông A.Ghani nhằm khởi động đối thoại hòa giải dân tộc dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, được cho là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền Kabul với Taliban, cuộc đàm phán giữa Taliban với Mỹ sau chín vòng thương lượng không kết quả đã bất ngờ bị Washington đình chỉ. Cùng với đó, việc Kabul quá phụ thuộc Washington là tâm điểm chỉ trích có thể làm tăng lợi thế cho ứng cử viên A.Abdullah...

Viễn cảnh hòa bình vẫn mờ mịt khi Afghanistan còn trong tình cảnh bạo lực triền miên, tranh giành quyền lực, mâu thuẫn chính trị và chia rẽ sắc tộc sâu sắc. Bởi thế, với bất kể ai giành thắng lợi sau cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra hôm nay, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là thúc đẩy đối thoại, để con đường tới hòa bình của Afghanistan bớt gập ghềnh hơn.