Giảm tổn thương cho các nước nghèo

Các thể chế tài chính quốc tế, tổ chức khu vực đang nỗ lực đưa ra “liều thuốc” hữu hiệu nhằm giảm tổn thương cho các nước nghèo, trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch bệnh có nguy cơ đẩy nhiều quốc gia vào cảnh khốn cùng. Chương trình hoãn trả nợ cho các nước nghèo và đang phát triển được thúc đẩy, cùng các biện pháp trợ giúp đang được xúc tiến.

Những quốc gia nghèo và đang phát triển, trong đó có các nước nghèo nhất ở châu Phi, chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 quét qua. Một cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu đang hình thành có nguy cơ “nhấn chìm” các quốc gia nghèo. Những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất không đủ nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh khi cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Chẳng hạn, ở châu Phi, một châu lục từng chứng kiến nhiều cuộc xung đột, bạo lực, kéo theo đói nghèo, dịch bệnh, dân trí thấp, nguy cơ không kiểm soát được dịch Covid-19 khiến nhiều nước có thể rơi vào thảm cảnh. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra về những hậu quả nghiêm trọng nếu các nước nghèo bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay.

Việc tăng cường chương trình giãn nợ cũng như cung cấp khoản tín dụng hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển được xem là “liệu pháp giảm đau” tạm thời. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi các nước thành viên cung cấp thêm tài trợ để giúp những người nghèo và các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Liên hợp quốc (LHQ) đề xuất một thỏa thuận về nợ toàn cầu, bao gồm thành lập một cơ quan quốc tế để giám sát “giảm nhẹ nợ thực chất” nhằm ngăn chặn thảm họa kinh tế tại các quốc gia nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm áp lực tài chính cho các quốc gia đang phát triển. Cơ quan này nhắc lại khoản trợ cấp 1.000 tỷ USD để giảm nợ cho các quốc gia dễ tổn thương nhất, đồng thời thành lập một cơ quan quốc tế giám sát chương trình này. UNCTAD cũng kêu gọi gói cứu trợ trị giá 2.500 tỷ USD nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế tại các nước đang phát triển.

Trong khi đó, IMF đang xử lý các đơn yêu cầu cho vay khẩn cấp từ gần một nửa trong số 189 quốc gia thành viên, khi năng lực hỗ trợ khẩn cấp của tổ chức này tăng gấp hai lần, lên 100 tỷ USD. WB cũng đưa ra gói hỗ trợ 160 tỷ USD trong vòng 15 tháng tới để giúp các quốc gia nghèo ở một số khu vực tăng nguồn lực y tế và phục hồi kinh tế.

Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét nhấn mạnh rằng, mức độ nghiêm trọng của đại dịch đòi hỏi các nước cần hành động nhiều hơn nữa, nhất là khi nhiều nước đang phát triển ngập trong nợ nần hoặc sẽ sớm rơi vào tình trạng đó nếu suy thoái toàn cầu xảy ra. Mức nợ trung bình tính trên GDP ở châu Phi đã tăng từ 39,5% vào năm 2011 lên tới 61,3% vào năm 2019. Chương trình hoãn trả nợ cho các nước nghèo nhất chỉ là một phần trong các nỗ lực cứu giúp các nền kinh tế, trong khi cần các biện pháp quyết liệt hơn.

Trong lúc chờ đợi gói tài chính được huy động từ các nước giàu, vốn cũng đang phải vật lộn với khó khăn do dịch bệnh, các nước nghèo cần nhanh chóng tăng cường hạ tầng và nhân lực y tế. Thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”, các nước nghèo được khuyến nghị tăng cường khả năng phòng ngừa.