Gây sức ép

Tư lệnh Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) tuyên bố, I-ran đã kiểm soát toàn bộ khu vực vùng Vịnh và giám sát mọi hoạt động của lực lượng nước ngoài ở vùng biển này. Cùng với đe dọa trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), I-ran liên tiếp có các động thái nhằm gây sức ép đòi Mỹ dỡ bỏ cấm vận chống Tê-hê-ran.

Hải quân I-ran tuyên bố đang giám sát mọi diễn biến ở vùng Vịnh thông qua hệ thống điện tử tối tân, ngay sau khi quốc gia Hồi giáo tổ chức cuộc diễu hành quy mô lớn với sự tham gia của hơn 700 tàu chiến và tàu quân sự các loại. Sự kiện này diễn ra ngay trước dịp kỷ niệm 5 năm vụ bắt giữ các thủy thủ Mỹ xâm phạm vùng lãnh hải của I-ran. Cuộc biểu dương sức mạnh của I-ran diễn ra gần hòn đảo chiến lược Pha-xi, được coi là thông điệp cảnh báo của Tê-hê-ran về việc sẵn sàng đáp trả bất cứ cuộc tiến công nào nhằm vào nước này, trong bối cảnh căng thẳng giữa I-ran với Mỹ và đồng minh trong khu vực leo thang. Ðây cũng là thời điểm để I-ran gợi nhớ vụ va chạm giữa Mỹ và I-ran xảy ra cách đây 5 năm. Ngày 12-1-2016, hai tàu hải quân Mỹ đang trên đường từ Cô-oét tới Ba-ren đã đi vào vùng lãnh hải của I-ran ở vùng Vịnh và bị lực lượng IRGC bắt giữ. Sau đó vài ngày, các lực lượng I-ran đã thả những thủy thủ này khi có thông tin khẳng định các con tàu của Mỹ đi nhầm vào vùng lãnh hải của I-ran do hệ thống dẫn đường hỏng.

Việc I-ran tiến hành các hoạt động tăng cường năng lực phòng thủ và biểu dương lực lượng vào thời điểm đánh dấu các vụ va chạm với Mỹ phản ánh mối quan hệ đối đầu sâu sắc giữa hai bên, nhất là trong thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm. Chính quyền Tổng thống Ð.Trăm đã liên tiếp gia tăng các lệnh trừng phạt I-ran, gần đây còn đưa các phương tiện quân sự hiện đại cùng vũ khí tối tân tới vùng Vịnh. Ðáp lại, IRGC đã tiết lộ một căn cứ tên lửa dưới lòng đất tại địa điểm ở khu vực này. Theo Tư lệnh IRGC, Tướng H.Xa-la-mi, căn cứ này nằm trong số những địa điểm cất giữ các tên lửa chiến lược của hải quân I-ran. Những tên lửa này có tầm phóng hàng trăm ki-lô-mét, có độ chính xác tuyệt đối và khả năng phá hủy mục tiêu cao, có thể vượt qua những thiết bị chiến đấu điện tử. IRGC cũng từng thông báo, I-ran đã xây dựng "các thành phố tên lửa" dưới lòng đất dọc bờ biển vùng Vịnh và cảnh báo hệ thống này có thể là "cơn ác mộng" với những kẻ thù của Tê-hê-ran.

Bên cạnh hành động biểu dương sức mạnh quân sự, I-ran mới đây gây sức ép đòi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, thông qua đe doạ đi quá giới hạn cam kết theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) tuyên bố, nước này có thể làm giàu u-ra-ni ở độ tinh khiết tới 90%, ngay sau khi quy trình làm giàu u-ra-ni mức 20% đã được Tê-hê-ran khởi động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động chiến lược được Quốc hội I-ran thông qua nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. JCPOA quy định I-ran chỉ được làm giàu u-ra-ni ở mức 3,67%, thấp hơn mức 20% mà I-ran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký. Ðược biết, mức làm giàu u-ra-ni để chế tạo vũ khí hạt nhân là 90%. Trong khi đó, nhằm gia tăng áp lực với Mỹ, Quốc hội I-ran đã thông qua luật yêu cầu chính phủ đình chỉ việc IAEA thanh tra các cơ sở hạt nhân của I-ran, đồng thời tăng tốc làm giàu u-ra-ni. Tê-hê-ran còn dọa trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của IAEA, nếu các lệnh cấm vận đối với nước này không được dỡ bỏ trước ngày 21-2 tới.

Trước các động thái từ cả Mỹ và I-ran làm tổn hại nghiêm trọng thỏa thuận hạt nhân, các cường quốc châu Âu tham gia JCPOA đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm cứu văn kiện quan trọng này. Liên hiệp châu Âu (EU) tuyên bố sẽ "tăng gấp đôi nỗ lực" để giải cứu JCPOA. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc cam kết trong JCPOA, coi đây là cách thức duy nhất để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.