Bình luận quốc tế

Gánh nặng người di cư

Vụ đắm tàu tồi tệ nhất tại Địa Trung Hải trong năm nay, đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 người khi thi thể của họ được tìm thấy trong tổng số khoảng 150 người mất tích tại vùng biển ngoài khơi Libya mới đây. Thảm kịch này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về vấn nạn người di cư qua Địa Trung Hải, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi sự “vào cuộc” của các nước trong nỗ lực chung cứu người di cư.

Chuyến tàu định mệnh chở gần 400 người di cư bất hợp pháp lần này chỉ là một trong những chuyến tàu hằng ngày xuất phát từ bờ biển Libya vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Do tình trạng bất ổn về an ninh ở Libya, quốc gia Bắc Phi này đã trở thành điểm trung chuyển chính của hàng nghìn người di cư nuôi hy vọng vượt Địa Trung Hải để tới các bờ biển châu Âu, nhằm chạy trốn đói nghèo và xung đột.

Trong những năm qua, Libya đã hợp tác với giới chức châu Âu để ngăn chặn dòng người di cư. Tuy nhiên, gần đây, do thời tiết thuận lợi hơn cho nên số người di cư vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu không ngừng gia tăng, nhất là ngoài khơi bờ biển phía tây Libya. Hàng nghìn người di cư được giải cứu trên biển, hoặc bị lực lượng an ninh Libya bắt giữ đang tập trung tại các trại tị nạn của nước này. Hiện có khoảng 50 nghìn người tị nạn và 800 nghìn người di cư đang sống ở Libya, chưa kể nhiều người khác bị tạm giữ ở những địa điểm không bảo đảm về cơ sở vật chất và quyền con người.

Thảm kịch mới đây xảy ra chỉ ba ngày sau khi các quan chức Liên hợp quốc (LHQ) vừa tổ chức hội nghị ở Pa-ri (Pháp) bàn về tình hình Libya và khu vực Địa Trung Hải, với lời kêu gọi cần sớm nối lại việc triển khai lực lượng cứu người di cư trên biển, đồng thời không hình sự hóa các vụ việc di cư, tị nạn hay gửi họ trở lại Libya, trong bối cảnh “điểm nóng” về người di cư này tồn tại nhiều vấn đề. Ngay sau khi xảy ra thảm kịch ở ngoài khơi Libya, Tổng Thư ký LHQ A.Guterres đã kêu gọi nối lại việc bố trí lực lượng cứu hộ ở khu vực Địa Trung Hải. LHQ cho rằng, cần phải có những tuyến đường hợp pháp và an toàn để cứu người di cư. Vụ tai nạn gây chết nhiều người như vậy cho thấy mức độ cấp thiết của việc các quốc gia cần nối lại mạng lưới cứu hộ trên biển để giúp hàng nghìn người tị nạn và di cư bị mắc kẹt trong cuộc chiến ở Libya. LHQ cũng nhắc lại lời kêu gọi, cần có thêm các khu tái định cư cho người di cư cũng như có các biện pháp tăng cường để bắt giữ và xét xử những kẻ buôn người.

Tính khẩn thiết của vấn đề cứu người di cư được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Italy đã yêu cầu Ủy ban châu Âu phối hợp hoạt động để phân bổ người di cư được cứu, hiện đang ở trên tàu bảo vệ bờ biển của nước này. Italy cũng chỉ trích việc không có sự chia sẻ công bằng trong tiếp nhận người di cư giữa các nước châu Âu. Mặc dù 14 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã đồng ý với một “cơ chế đoàn kết” mới do Đức và Pháp đề xuất, liên quan việc phân bổ người nhập cư, tuy nhiên, Rome khẳng định không tham gia cơ chế này vì cho rằng biện pháp được đưa ra khiến Italy tiếp tục là “trại tị nạn của châu Âu”. Đồng thời nhấn mạnh việc tái phân bổ hạn ngạch người tị nạn sẽ gây khó khăn cho việc trục xuất những người di cư bất hợp pháp ở các quốc gia tuyến đầu. Italy đã tiếp nhận hầu hết những người di cư được cứu trên biển, tuy nhiên, từ năm 2018, chính phủ mới lên nắm quyền ở nước này lại quyết định không cho phép các tàu cứu nạn chở người di cư cập cảng.

Trong khi đó, EU đã kiện Hungary lên Tòa án Công lý châu Âu về đạo luật “Stop Soros” gây tranh cãi, chống lại việc tiếp nhận người nhập cư của nước này. EU cho rằng, đạo luật “Stop Soros” đã hình sự hóa các hoạt động hỗ trợ các yêu cầu xin tị nạn và hạn chế hơn nữa quyền yêu cầu tị nạn. Theo một thỏa thuận năm 2015, những người di cư tới châu Âu tìm kiếm quy chế tị nạn tập trung tại hai nước Hy Lạp và Italy sẽ được phân bổ tới các nước khác trong EU theo một cơ chế phân bổ hạn ngạch, nhằm giảm gánh nặng cho các quốc gia “cửa ngõ”. Tuy nhiên, mục tiêu này đến nay vẫn chưa được hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của một số nước Đông Âu.

Làn sóng di cư đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và thúc đẩy tư tưởng của các đảng phái cực hữu phản đối nhập cư trên khắp châu Âu. Hiện, giữa các nước châu Âu vẫn tồn tại nhiều bất đồng, bởi không quốc gia nào muốn bị “gánh nặng người di cư” tác động mạnh tới đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những con số báo động về người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải đang gióng lên hồi chuông khẩn thiết kêu gọi các nước châu Âu nhanh chóng có những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên cho các hoạt động cứu người di cư trên biển. Đây được xem là bài toán khó đòi hỏi các nước ở hai bờ Địa Trung Hải nói chung, châu Âu nói riêng cần sớm tìm được lời giải.