Gánh nặng cần san sẻ

Diễn đàn các cơ quan điều phối quốc gia về chống buôn người ở Trung Đông - châu Phi vừa diễn ra ở Ai Cập đã thảo luận các nỗ lực chung của khu vực trong việc ngăn chặn làn sóng di cư đang làm tổn hại cả châu Âu và châu Phi. Đây là một trong những vấn đề nan giải mà hai châu lục phải đối mặt, tác động tiêu cực tới các khía cạnh đời sống, kinh tế, xã hội. “Chặn từ đầu nguồn” làn sóng di cư bất hợp pháp vẫn là vấn đề cốt lõi cần giải quyết.

Được sự hỗ trợ của Vương quốc Anh, Ủy ban điều phối quốc gia về ngăn chặn và chống nhập cư trái phép và buôn người Ai Cập phối hợp Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (LHQ) ở khu vực Trung Ðông - Bắc Phi tổ chức diễn đàn. Với sự góp mặt của 18 cơ quan điều phối quốc gia về chống buôn người thuộc các nước châu Phi, đây là cơ hội để cung cấp bức tranh toàn cảnh cho các nước trong khu vực về tình trạng buôn người, cũng như tạo điều kiện để các cơ quan chức năng trao đổi kinh nghiệm trong phòng chống nạn buôn người. Ðây là một trong những vấn nạn nhức nhối làm gia tăng làn sóng di cư bất hợp pháp khiến cả châu Âu và châu Phi đau đầu. Ngày càng nhiều người ở "lục địa đen" chấp nhận đánh đổi tất cả, thậm chí cả tính mạng, để tìm "miền đất hứa" bên kia bờ Ðịa Trung Hải. Một trong những việc làm cấp thiết hiện nay mà các nước châu Phi xác định là tăng cường hợp tác khu vực nhằm cho phép các nước thay đổi cách thức ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp, đồng thời khuyến khích chuyển đổi theo hướng xuất khẩu lao động có tay nghề cao.

Người dân ở nhiều nước châu Phi, nhất là những nước đang chìm trong vòng luẩn quẩn của xung đột - đói nghèo, tìm đến châu Âu với hy vọng tìm cuộc sống tốt hơn, bất chấp nguy hiểm đe dọa tính mạng trong hành trình vượt Ðịa Trung Hải. Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn, hơn 1.000 người chết trên Ðịa Trung Hải kể từ đầu năm đến nay, trong đó hầu hết các trường hợp xuất phát từ bờ biển Libya. Quốc gia Bắc Phi bị cuốn vào xung đột kéo dài này trở thành điểm xuất phát của các chuyến tàu chở người di cư vượt Ðịa Trung Hải.

Những người di cư bất hợp pháp vào Libya chủ yếu đến từ các quốc gia phía nam sa mạc Sahara. Các trại tập trung ở Libya hiện quá tải với hàng nghìn người di cư được các cơ quan chức năng của nước này và quốc tế giải cứu trên biển. Bên kia bờ Ðịa Trung Hải, Italy và Hy Lạp là hai quốc gia hứng chịu trực tiếp làn sóng di cư từ Trung Ðông - châu Phi. Hiện hơn 32 nghìn người di cư đang phải sống trong điều kiện khó khăn ở các khu trại vốn chỉ có sức chứa khoảng 6.200 người ở Hy Lạp. Tình trạng bị quá tải do người di cư đã khiến các nước châu Âu chia rẽ khi nhiều nước không muốn san sẻ gánh nặng này.

Bức tranh di cư u ám khi kết quả nghiên cứu của LHQ cho thấy, tới 93% số người châu Phi di cư đến các nước châu Âu qua các con đường không chính thức cho biết, nếu được làm lại họ sẽ vẫn làm như vậy, bất chấp nguy hiểm tới tính mạng. Báo cáo của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) được tiến hành nhằm tìm ra nguyên nhân vì sao người dân châu Phi lại phó mặc tính mạng cho những kẻ buôn người và tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm để vượt biên trái phép. Ðáng chú ý, kết quả khảo sát đối với người di cư đến từ 39 quốc gia châu Phi và những người này đang sống ở 13 nước châu Âu cho thấy, chạy trốn xung đột, bạo lực hay tìm việc làm không phải động lực duy nhất đối với những người di cư. Không ít người lựa chọn ra đi do họ muốn "đổi đời" ở một quốc gia phát triển, bởi sự phát triển ở châu Phi chưa đồng đều và còn nhiều hạn chế. Từ thực tế này, UNDP cho rằng, cần đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết phải tiếp tục mở rộng hơn nữa cơ hội và lựa chọn cho người dân ở châu Phi.

Nhiều nước châu Âu cam kết phối hợp chặt chẽ với châu Phi nhằm hồi hương người tị nạn và ngăn chặn làn sóng di cư. Nhiều dự án do châu Âu tài trợ đã được triển khai ở châu Phi nhằm tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển, ngăn chặn xung đột, coi đây là cách thức giải quyết gốc rễ vấn đề. Tuy nhiên, theo đánh giá của LHQ, nhiều nước vẫn chậm thực hiện cam kết khiến trên thực tế, hằng ngày, những chuyến tàu chở người di cư từ Bắc Phi vượt Ðịa Trung Hải sang châu Âu tiếp tục xuất phát và hai châu lục chưa thật sự tìm ra "liều thuốc hữu hiệu" cho vấn đề người di cư. Ðiều này gây lo ngại về tính mạng người di cư trên hành trình vượt biển cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề cho châu Âu vốn đang oằn lưng trước gánh nặng người nhập cư.