Eurozone cần “liều thuốc” mạnh

Trong cuộc họp báo trực tuyến do hãng tin Roi-tơ vừa tổ chức, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) C.La-gác-đơ bày tỏ tin tưởng kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) sẽ phục hồi trong năm 2021. Tuy nhiên, những con số thống kê và dự báo đang cho thấy kinh tế Eurozone đối mặt nguy cơ suy thoái không tránh khỏi do đại dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng.

Công ty IHS Markit vừa công bố kết quả khảo sát cho thấy kinh tế Eurozone đã suy giảm nghiêm trọng hơn trong tháng 1-2021. Theo đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của IHS Markit đã giảm từ 49,1 điểm trong tháng 12-2020 xuống còn 47,5 điểm trong tháng 1-2021. Chỉ số PMI của IHS Markit được xem là một chỉ dẫn uy tín về “sức khỏe kinh tế” và để xác định một nền kinh tế tăng trưởng, chỉ số PMI phải ở mức 50 điểm trở lên. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ số việc làm của Eurozone giảm từ 49,2 điểm tháng 12-2020 xuống còn 48,9 điểm trong tháng 1 năm nay. IHS Markit công bố kết quả khảo sát nêu trên trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế của khu vực gần như tê liệt. Các địa điểm giải trí và khách sạn buộc phải đóng cửa khiến lĩnh vực dịch vụ suy giảm mạnh.

Cùng với các chỉ số sản xuất, tiêu dùng yếu kém, các nền kinh tế Eurozone còn đang đối mặt nguy cơ “bóng ma nợ công” trở lại. Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone gần đây, các bộ trưởng đã chia sẻ mối lo ngại về tình trạng nợ công gia tăng và tình trạng tăng lương chậm. Thống kê cho thấy, những quốc gia từng khủng hoảng nợ công nghiêm trọng trong thập niên vừa qua, nay lại đối mặt nguy cơ nợ nần nghiêm trọng. Hy Lạp, Tây Ban Nha và I-ta-li-a hiện là ba nước trong Eurozone có mức nợ công cao kỷ lục. Việc giảm “núi nợ công” của những nước này trở nên khó khăn hơn khi các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành du lịch hiện khốn đốn vì dịch bệnh. Ngay cả Pháp, một nền kinh tế lớn mạnh hàng đầu châu Âu, cũng đối mặt nguy cơ tài chính. ECB mới đây công bố, thâm hụt ngân sách của Pháp đến cuối năm 2020 ở mức 10,5% GDP, trong khi con số này tại Tây Ban Nha là 12,2% và Đức là 6%. Thông thường, mức lạm chi này sẽ đẩy thị trường tài chính của nước này rơi vào hỗn loạn, đe dọa khả năng thanh khoản của các nước nói trên và tương lai của đồng ơ-rô nói chung.

Ủy viên phụ trách  kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU) P.Gien-ti-lô-ni cho rằng “cuộc khủng hoảng Covid-19” hiện nay còn  khoét sâu sự bất bình đẳng vốn từng bước được cải thiện ở châu Âu trước thời kỳ dịch bệnh. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cùng với tiêu dùng sụt giảm mạnh, còn dẫn đến một hệ lụy nghiêm trọng khác với kinh tế Eurozone, đó là lạm phát thấp.  Thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, lạm phát của Eurozone trong tháng 12-2020 tiếp tục nằm ở mức âm 0,3% và ở mức âm trong tháng thứ năm liên tiếp kể từ khi lạm phát tại khu vực này rơi xuống mức âm 0,2% vào tháng 8-2020. Tình trạng lạm phát ở ngưỡng âm liên tiếp trong những tháng qua đang tạo ra sự lo lắng đối với các chính phủ vì điều này có thể dẫn tới việc người tiêu dùng “thắt chặt hầu bao” và mức chi tiêu sẽ càng yếu. Mức lạm phát quá thấp trong những tháng gần đây cũng cho thấy mục tiêu lạm phát mà Eurozone đặt ra là gần 2% đang “ở quá xa tầm với” của khối này .

Những tín hiệu tiêu cực về kinh tế Eurozone nêu trên đang trái chiều với nhận định của giới chuyên gia về triển vọng kinh tế khu vực này năm 2021. Kết quả thăm dò của hãng tin Roi-tơ cho thấy các chuyên gia nhận định nền kinh tế của Eurozone dự báo tăng trưởng 0,6% trong quý I-2021 và sẽ trở lại mức tăng trưởng trước dịch trong hai năm tới với hy vọng việc tiêm vắc-xin đại trà sẽ giúp các nước trong khu vực trở lại trạng thái “bình thường mới”. Chủ tịch ECB cũng bày tỏ sự tin tưởng kinh tế Eurozone sẽ phục hồi trong năm 2021 bất chấp việc các nước trong khu vực tái áp đặt các biện pháp hạn chế và khởi đầu gian nan của chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, sau một vài tháng nền kinh tế có chút phục hồi, trong những tuần gần đây nền kinh tế Eurozone đang trở lại trạng thái “ốm yếu” và có dấu hiệu quay trở lại thời kỳ suy thoái.

Thực tế nêu trên đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo châu Âu phải đánh giá đúng thực trạng và đưa ra các “liều thuốc” đủ mạnh để phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực. Việc chẩn đoán sai về “sức khỏe kinh tế” Eurozone hoặc lạc quan quá sớm có thể khiến châu Âu phải trả giá đắt.