Bình luận quốc tế

Duy trì lợi ích

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo vừa kết thúc chuyến công du đầu tiên tới các nước phía nam sa mạc Xa-ha-ra của châu Phi sau gần hai năm tại nhiệm.

Ông đã mang tới các nước trong khu vực những cam kết tài chính và đổi lại "đem về" một loạt thỏa thuận đầu tư được ký kết. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thực hiện sứ mệnh hiện thực hóa chiến lược châu Phi của Tổng thống Ð.Trăm, tiếp tục khẳng định chính sách của Oa-sinh-tơn muốn duy trì ảnh hưởng ở châu lục giàu tài nguyên này.

Với ba điểm dừng chân là Xê-nê-gan, Ăng-gô-la, Ê-ti-ô-pi-a, các chương trình nghị sự và các cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo tập trung vào các vấn đề vốn được cho là chiến lược đối với châu Phi của chính quyền Tổng thống Ð.Trăm. Mỹ cần bảo đảm với các đối tác châu Phi rằng, nền kinh tế số một thế giới sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho châu Phi. Mỹ muốn khẳng định sẽ hỗ trợ mạnh mẽ Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) mới thành lập và hợp tác với Liên minh châu Phi (AU). Nếu được thực hiện thành công, AfCFTA sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của Mỹ thông qua việc mang đến những cơ hội quý giá để mở rộng kinh doanh và góp phần tạo việc làm ở nước Mỹ, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng của châu Phi. Phối hợp tái lập Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ - châu Phi hoặc một diễn đàn thương mại và đầu tư tương tự của Mỹ - châu Phi với các cam kết cấp cao, cũng là một trong những vấn đề ưu tiên tại nghị sự của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo trong chuyến công du này. Ước tính đến năm 2030, châu Phi sẽ có 1,7 tỷ dân với tổng chi tiêu tiêu dùng và chi phí kinh doanh là 6.700 tỷ USD.

Bộ trưởng Ngoại giao M.Pom-peo đã khẳng định lại cam kết của Mỹ giúp các nước châu Phi tiến hành cải cách kinh tế. Tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo Ê-ti-ô-pi-a, phía Mỹ nhấn mạnh sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính để quốc gia vùng Sừng châu Phi này thúc đẩy cải cách. Là quốc gia đông dân thứ hai châu Phi và là đồng minh của Mỹ ở khu vực, Ê-ti-ô-pi-a đã nhận được cam kết của Mỹ hỗ trợ 37 triệu USD cho nước này tổ chức bầu cử, ngoài khoản viện trợ hằng năm một tỷ USD mà Oa-sinh-tơn dành cho Ê-ti-ô-pi-a.

Trong chuyến thăm lần này, các công ty Mỹ đã ký với đối tác Xê-nê-gan năm bản ghi nhớ mới về các dự án cơ sở hạ tầng. Tại Ăng-gô-la, nền kinh tế thứ ba vùng hạ Xa-ha-ra và là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của khu vực, nơi mà các tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ gồm Exxon Mobil và Chevron đã tham gia khai thác các giếng dầu, các doanh nghiệp hai nước đã có các cuộc tiếp xúc nhằm xúc tiến mở rộng đầu tư. Theo ông M.Pom-peo, Mỹ đã có một nhóm các công ty năng lượng đầu tư hơn hai tỷ USD vào một dự án khí đốt thiên nhiên tại Ăng-gô-la.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chuyến thăm châu Phi là Bộ trưởng M.Pom-peo phải trấn an các đồng minh trước thông tin về việc cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này. Mỹ khẳng định ủng hộ cách tiếp cận chung với các đồng minh khi đưa ra quyết định về số binh sĩ được triển khai ở châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố. Tại Xê-nê-gan, ông M.Pom-peo không đưa ra tuyên bố cụ thể nào về các ý định cắt giảm quân số Mỹ mà khẳng định: "Mỹ có nghĩa vụ bảo đảm an ninh trong khu vực bởi điều đó sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế". Ông cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ quyết tâm thực hiện nghĩa vụ này và sẽ hợp tác chặt chẽ với Xê-nê-gan và các lực lượng khác trong khu vực, cũng như hỗ trợ các đối tác châu Âu, đặc biệt là Pháp, để đưa ra một cách tiếp cận phù hợp với tất cả các bên. Bộ trưởng M.Pom-peo thông báo cho Chính phủ Xê-nê-gan về ý định rút các binh sĩ chiến đấu, nhưng cho biết vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại đây, nhất là trong các lĩnh vực đào tạo và tình báo. Hai bên khẳng định là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến hoành hành tại Xa-hen.

Theo các nhà phân tích, Mỹ cần đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc giải quyết các thách thức về an ninh và tình trạng chưa thật sự ổn định của châu Phi. Trong bối cảnh châu Phi sẽ chiếm 40% lực lượng lao động toàn cầu vào cuối thế kỷ này, việc Mỹ hỗ trợ "lục địa đen" thực hiện cải cách kinh tế, giải quyết các thách thức an ninh đem lại lợi ích cho cả hai bên. Châu Phi đang chứng tỏ tiếp tục là một "điểm đến" được Mỹ quan tâm và muốn duy trì ảnh hưởng lâu dài.