Đường đến hòa bình

Cuộc đàm phán hòa bình được trông đợi giữa Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và lực lượng Ta-li-ban đã chính thức khai mạc tại Đô-ha (Ca-ta), đánh dấu thời khắc khởi động tiến trình hòa giải của quốc gia Nam Á. Thách thức còn nhiều, song quan trọng là các bên không bỏ lỡ cơ hội khi cánh cửa hòa bình đã hé mở, sau rất nhiều mất mát trong gần 20 năm xung đột. 

Đàm phán hòa bình giữa chính quyền Ca-bun và lực lượng Ta-li-ban là bước đi quan trọng, song đã lỡ hẹn khởi động theo cam kết trong thỏa thuận mà Ta-li-ban ký với Mỹ hồi tháng 2. Dù bắt đầu muộn hơn sáu tháng so kế hoạch ban đầu vào tháng 3, chủ yếu do bất đồng sâu sắc giữa hai bên liên quan việc thực hiện cam kết trao đổi tù nhân, cuộc đối thoại trực tiếp lần đầu trong 20 năm qua giữa chính phủ và phiến quân ở Áp-ga-ni-xtan vẫn được kỳ vọng tạo bước đột phá, giúp sớm tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột tại quốc gia Nam Á. Cả chính phủ và lực lượng Ta-li-ban đều khẳng định tâm thế và mong muốn đối thoại. Ca-bun hy vọng hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn theo ý nguyện của người dân; Ta-li-ban cũng cam kết sẵn sàng cho vòng đàm phán lịch sử.

Thông tin Áp-ga-ni-xtan khởi động tiến trình hòa giải quốc gia ngay lập tức được dư luận thế giới hoan nghênh, nhấn mạnh đây là cơ hội lịch sử với người Áp-ga-ni-xtan để đưa đất nước thoát khỏi bạo lực, đem lại những điều người dân kỳ vọng, đó là một Áp-ga-ni-xtan hòa bình, hòa giải, không có chiến tranh. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét nhấn mạnh hy vọng các cuộc đối thoại của Áp-ga-ni-xtan mang đến cơ hội hòa bình thật sự, giúp hàng triệu người dân nước này phải tha hương hoặc tị nạn vì xung đột có thể trở về nhà.

Có lợi ích liên quan và được xem như một bên trung gian trong tiến trình hòa bình Áp-ga-ni-xtan, Mỹ đặt kỳ vọng lớn vào cơ hội lịch sử, khi lần đầu trong gần 20 năm xung đột các bên tại Áp-ga-ni-xtan cùng ngồi vào bàn đàm phán. Ðây cũng là cơ hội vàng để quân đội Mỹ chấm dứt cuộc tham chiến dài nhất ở nước ngoài. Trong vai trò trung gian các cuộc đối thoại của Áp-ga-ni-xtan, Ca-ta kêu gọi các bên đưa ra những quyết định mạnh bạo và dứt khoát, quan trọng là vượt qua chia rẽ và bất đồng để đạt thỏa thuận hòa bình, trên tinh thần không có kẻ thắng, người thua.

Nhấn mạnh đất nước Áp-ga-ni-xtan hòa bình và ổn định mang lại lợi ích cho tất cả, NATO kêu gọi các bên đối thoại một cách chân thành, hướng tới mục tiêu cốt lõi là chấm dứt bạo lực. NATO cam kết duy trì hoạt động huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan, kêu gọi Ta-li-ban có bước đi mang tính quyết định từ bỏ bạo lực. Tương tự, Liên hiệp châu Âu (EU) cho rằng, tiến trình hòa đàm của Áp-ga-ni-xtan cần được bảo đảm và đồng hành bằng một lệnh ngừng bắn toàn diện, vô điều kiện và áp dụng trên cả đất nước. Quốc gia láng giềng Ấn Ðộ cũng khẳng định lập trường nhất quán ủng hộ tiến trình hòa bình của Áp-ga-ni-xtan, do chính người Áp-ga-ni-xtan làm chủ và kiểm soát, đồng thời kêu gọi các bên ưu tiên chấm dứt xung đột.

Chấm dứt bạo lực là nguyện vọng lớn nhất lâu nay và cũng là đích đến mà người dân Áp-ga-ni-xtan mong muốn cuộc hòa đàm đầu tiên giữa chính quyền Ca-bun và lực lượng Ta-li-ban hướng tới. Mong mỏi này càng cấp thiết khi cuộc đối thoại được khởi động trong bối cảnh tình trạng bạo lực gia tăng nghiêm trọng tại Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, một lệnh ngừng bắn toàn diện vẫn là mục tiêu khó khăn. Tại lễ khai mạc vòng hòa đàm ở Ðô-ha hôm 12-9, trưởng phái đoàn Chính phủ Áp-ga-ni-xtan hối thúc Ta-li-ban nhanh chóng đạt thỏa thuận ngừng bắn, trong bối cảnh cuộc xung đột hai mươi năm qua đã gây quá nhiều tổn hại và mất mát. Chỉ riêng khoảng thời gian từ khi Ta-li-ban ký thỏa thuận lịch sử với Mỹ hôm 29-2 đến nay đã có 12 nghìn dân thường chết, 15 nghìn người bị thương trong các vụ bạo lực và xung đột. Tuy nhiên, thủ lĩnh phái đoàn Ta-li-ban lại không đề cập vấn đề ngừng bắn, chỉ nêu quan điểm về cách thức điều hành đất nước theo mô hình luật pháp Hồi giáo.

Cuộc đàm phán đầu tiên đã khai mở, song hòa bình, ổn định của Áp-ga-ni-xtan chưa thể đến trong một sớm một chiều. Bất đồng xuất hiện ngay buổi đầu đối thoại cho thấy thách thức rất lớn phía trước. Giữa chính quyền Ca-bun và lực lượng Ta-li-ban còn nhiều khúc mắc và khác biệt về quan điểm, nhất là liên quan lệnh ngừng bắn, quyền của phụ nữ và sự tham gia chính phủ. Những yếu tố này có thể tiếp tục tạo rào cản trong tiến trình đàm phán, cũng như trên con đường đi đến hòa bình của Áp-ga-ni-xtan.