Đưa quan hệ đồng minh trở lại quỹ đạo

Cài đặt lại mối quan hệ đồng minh Pakistan - Mỹ, xóa bỏ nghi kỵ và thúc đẩy hợp tác thực chất là mục tiêu cốt yếu trong chuyến công du Mỹ lần đầu của Thủ tướng Pakistan I.Khan, từ ngày 21-7. Với những lợi ích ràng buộc, cần có sự ủng hộ của nhau, cả Islamabad lẫn Washington đều có lý do để “làm mới” các dự án hợp tác vốn gặp nhiều trắc trở vài năm gần đây.

Một danh sách dài những vấn đề cần thảo luận đã được Pakistan chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng I.Khan lần đầu và được chờ đợi, song đã bị trì hoãn do lãnh đạo chính quyền Islamabad bận giải quyết các vấn đề trong nước. Tăng cường quan hệ song phương và phối hợp trong các vấn đề khu vực, cụ thể là hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, thương mại và chống khủng bố, là các chủ đề nổi bật trong chương trình hội đàm giữa Thủ tướng Khan và Tổng thống nước chủ nhà D.Trump. Song, mục tiêu cao nhất, cũng là điều được cả hai bên chờ đợi nhiều nhất, đó là "tái khởi động" mối quan hệ đồng minh thật sự giữa Pakistan và Mỹ.

Sở dĩ cài đặt lại quan hệ song phương là mục tiêu cao nhất, bởi, từng là những đồng minh thân cận, song thời gian gần đây, Pakistan và Mỹ rơi vào tình trạng nghi kỵ và gián đoạn hợp tác, dù cả hai bên luôn cần sự ủng hộ của nhau. Nhiều năm qua, Mỹ đã hỗ trợ Pakistan xây dựng quân đội và phát triển kinh tế, cũng như phối hợp chống khủng bố ở nước láng giềng là Afghanistan. Pakistan trở thành đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố kể từ năm 2001, khi Mỹ khởi động chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt mạng lưới khủng bố al-Qaeda và lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan. Ðổi lại, với vị thế "đồng minh chủ chốt ngoài NATO" của Mỹ, từ năm 2002, Islamabad nhận nhiều khoản viện trợ từ Washington, với tổng giá trị hơn 33 tỷ USD.

Tuy nhiên, nghi kỵ gia tăng trong quan hệ hai nước vài năm gần đây, nhất là sau khi Tổng thống D.Trump lên nắm quyền tại Mỹ. Washington tỏ rõ sự hoài nghi về "sự trung thành" của Islamabad, khi Tổng thống D.Trump thẳng thừng chỉ trích chính quyền Islamabad "dung túng" các nhóm phiến quân, nhất là lực lượng Taliban, ẩn náu trong lãnh thổ Pakistan để thực hiện các tiến công vào Afghanistan. Islamabad nhiều lần bác bỏ cáo buộc "nhắm mắt làm ngơ" từ phía Nhà trắng, đồng thời khẳng định đã chi hàng tỷ USD cho các hoạt động chống các nhóm khủng bố và cực đoan. Sóng gió nổi lên đẩy quan hệ hai nước nhiều lần chạm đáy, dẫn tới quyết định của Tổng thống D.Trump đầu năm 2018 đình chỉ các khoản viện trợ hàng trăm triệu USD cho đồng minh ở Nam Á. Những lời chỉ trích, những quyết định ngừng hợp tác được cả hai bên liên tiếp tung ra, không còn theo khuôn khổ một mối quan hệ đồng minh.

Nằm ở vị trí chiến lược tại Nam Á, giữa Trung Quốc và Ấn Ðộ, Pakistan có những lợi thế để Mỹ có thể tận dụng trong việc thúc đẩy các lợi ích trong khu vực và trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với hai cường quốc châu Á. Ðặc biệt, với cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, Pakistan đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, Mỹ đang thúc đẩy đàm phán với lực lượng Taliban và Pakistan cũng đóng góp đáng kể vào nỗ lực này của Mỹ, cũng như ủng hộ thúc đẩy đối thoại trực tiếp giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan. Với Mỹ, Afghanistan vẫn là mối quan tâm dài hạn, trong khi đó, để có được giải pháp bền vững cho hòa bình ở Afghanistan, không thể thiếu hợp tác của Pakistan.

Ngoài ra, nền kinh tế Pakistan đang gặp nhiều khó khăn, Islamabad rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính và tiền tệ quốc tế để "hồi sinh" nền kinh tế. Thế nên, sự ủng hộ của Mỹ càng trở nên cần thiết.

Rõ ràng, với lợi ích ràng buộc và nhu cầu hợp tác rất lớn, cả Pakistan lẫn Mỹ đều khó có thể "buông tay" để mối quan hệ hai nước tiếp tục chìm dưới đáy khủng hoảng. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Khan và Tổng thống D.Trump tại Washington lần này được dư luận hai nước kỳ vọng có thể đưa mối quan hệ đồng minh Pakistan - Mỹ trở lại quỹ đạo vốn có.