Dự án tham vọng

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất “gói giải cứu” khổng lồ, nhằm giúp các nền kinh tế thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) phục hồi sau đại dịch. Song, với một loạt khoản trợ cấp, tín dụng và bảo lãnh, dự án đầy tham vọng của EC vẫn gây nghi ngại, khi tạo gánh nợ lớn cho EU và làm tăng các khoản đóng góp ngân sách với các nước thành viên.

Gói biện pháp tài chính khẩn cấp đã được EC thảo luận nhiều tuần qua trước khi được Chủ tịch EC U.Leyen trình Nghị viện châu Âu (EP) xem xét và chuyển tới các nước thành viên EU thảo luận để thông qua. Mục tiêu lớn nhất và cấp thiết nhất của dự án này là giúp các nước và các ngành kinh tế của EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn “hậu Covid-19”. Đồng thời, bảo vệ thị trường chung gồm 450 triệu dân trước nguy cơ bị “xé nhỏ” do sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng và mức độ thịnh vượng giữa các nền kinh tế EU khi phải chịu đợt suy thoái vào cuối năm 2020 được dự báo là sâu sắc nhất từ trước đến nay. Theo kế hoạch, EC sẽ tìm kiếm và huy động khoản vay, ít nhất 500 tỷ ơ-rô, từ các thị trường tài chính, để làm quỹ hỗ trợ các nước EU giải quyết hậu quả về kinh tế do dịch bệnh.

Kế hoạch của EC được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các nước EU dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa và khởi động lại nền kinh tế, song gặp nhiều vấn đề về tài chính. Trong đó, với các nước giàu hơn, ở phía bắc châu Âu, như Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Hà Lan..., mục tiêu vay nợ để trang trải các kế hoạch kinh tế trong nước không quá cấp thiết. Song, với một loạt nền kinh tế ở phía nam, như I-ta-li-a, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha..., lâu nay phụ thuộc ngành du lịch, lại đang oằn mình với gánh nặng nợ công do chi tiêu chống dịch thời gian qua, thì việc huy động vốn để khôi phục kinh tế hiện rất khó khăn.

Trong báo cáo mới nhất về ổn định tài chính của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo nguy cơ rất gần về những “núi nợ công” mới, xuất phát từ các gói biện pháp chống dịch quá tốn kém, dấy lên quan ngại về khả năng vỡ nợ của nhiều nước trong khu vực, thậm chí là nguy cơ sụp đổ Eurozone sớm trở lại. ECB chỉ rõ, mục tiêu duy trì nợ công mức dưới 6% GDP vốn đã rất khó đạt, lại càng dễ bị phá vỡ trong cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 hiện nay. Các gói chi tiêu khổng lồ của các chính phủ có thể giúp giảm nhẹ tác động của dịch bệnh và giúp thúc đẩy kinh tế phục hồi, song sẽ khiến tỷ lệ nợ công tăng nhanh chóng. ECB dự báo, với nhiều khoản vay hàng trăm tỷ ơ-rô của các nước nhằm hỗ trợ kinh tế, tổng nợ công của Eurozone có thể tăng tới 22% GDP trong năm nay.

Trong bối cảnh nhiều nước gặp khó khăn tài chính, mà mục tiêu khôi phục kinh tế sau đại dịch lại hết sức cấp bách, gói đề xuất EC đưa ra được số đông các thành viên đánh giá là cần thiết, có thể kịp thời hỗ trợ các thành viên đã “đuối sức” trong cuộc chiến chống Covid-19, qua đó khôi phục khối kinh tế bền vững của cả EU. Bởi thế, dự án tái thiết kinh tế của EC được các nền kinh tế đầu tàu EU ủng hộ. Tuần trước, Đức và Pháp đã đề xuất một số trọng điểm cho quỹ tái thiết kinh tế EU, theo đó có thể huy động tới 500 tỷ ơ-rô từ các thị trường tài chính cho kế hoạch của EC hỗ trợ trực tiếp các thành viên là “nạn nhân” nghiêm trọng nhất của Covid-19. Đức thậm chí còn ủng hộ “kế hoạch giải cứu” bằng các khoản trợ cấp, thay vì cho vay. Với đề xuất nêu trên, Đức và Pháp đã loại bỏ chương trình mang tên “trái phiếu cô-rô-na” vốn gây tranh cãi, thay vào đó, bảo đảm nguồn vốn từ các cơ chế tài chính hiện có ở châu Âu. Dự án của EC có thể đáp ứng nhu cầu vốn của các nước thành viên phía nam, mà không làm tăng đáng kể nợ quốc gia.

Tuy nhiên, hoài nghi vẫn còn, nhất là về cách thức thực hiện, khi EC vay vốn từ các thị trường để cấp cho các nước cần vốn nhất, chứ không phải cho vay lại. Quan trọng hơn, các nước phía bắc không hài lòng với cách thức chi tiêu của các thành viên phía nam, trong khi nguồn vốn cho dự án mới sẽ là khoản nợ chung của EU. Để hoàn trả số nợ này, không loại trừ khả năng các khoản đóng góp của các nước thành viên sẽ tăng, hoặc có thêm các khoản thuế được ban hành.

Không phủ nhận, kế hoạch tái thiết kinh tế EU là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Song, với nhiều bất đồng nội bộ, cuộc đàm phán về dự án nhiều tham vọng của EC có thể còn phức tạp và kéo dài.