Bình luận quốc tế

Đồng thuận để cùng phát triển

Với chủ đề “Quan hệ đối tác BRICS vì ổn định toàn cầu, an ninh chung và tăng trưởng tiến bộ”, Hội nghị cấp cao lần thứ 12 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vừa diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Các nhà lãnh đạo BRICS tìm kiếm đồng thuận, tăng cường hợp tác nội khối nhằm thúc đẩy thương mại và ứng phó thách thức chung, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực các nền kinh tế thành viên.

Với năm thành viên gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, BRICS có vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Hợp tác trong cơ chế BRICS đã đem lại nhiều lợi ích cho các thành viên. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), còn gọi là Ngân hàng BRICS, đã phê duyệt 65 dự án phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng trị giá 21 tỷ USD tại tất cả các nước thành viên trong 5 năm qua. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngân hàng đa phương này đã cung cấp tới 10 tỷ USD cho các dự án hỗ trợ và phục hồi kinh tế liên quan cuộc khủng hoảng dịch bệnh thông qua chương trình ứng phó khẩn cấp Covid-19 của khối.

Diễn ra vào thời điểm mà thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc, bất ổn gia tăng, nhất là đại dịch hoành hành, Hội nghị cấp cao BRICS lần này tập trung bàn thảo sự hợp tác nhằm đối phó các thách thức toàn cầu, tác động mạnh tới mỗi thành viên BRICS. Tổng kết các hoạt động năm 2020, lãnh đạo các nước BRICS đánh giá cao những nỗ lực của Nga trong vai trò Chủ tịch BRICS, nhờ đó tạo động lực, chất lượng mới cho sự phát triển của BRICS. Tổng thống Nga V.Pu-tin khẳng định, bất chấp đại dịch, hợp tác giữa các nước thành viên trong khối vẫn phát triển năng động trên tất cả các hướng quan trọng, từ kinh tế, chính trị đến lĩnh vực nhân văn. 

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Mát-xcơ-va gồm 97 điểm cùng nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Chiến lược Đối tác kinh tế BRICS giai đoạn đến năm 2025 và Chiến lược chống khủng bố của BRICS. Đáng chú ý, Tuyên bố nhấn mạnh ủng hộ nỗ lực tập thể nhằm giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao, đồng thời ghi nhận sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về một lệnh ngừng bắn chung và Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu ngừng ngay lập tức các hoạt động chiến sự, ngoại trừ hoạt động quân sự chống các nhóm khủng bố có trong Danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Cùng các nội dung chính về thương mại, lãnh đạo các nước BRICS cũng tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác nội khối trong các lĩnh vực chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, xã hội và giao lưu nhân dân. Những thách thức từ đại dịch là một trong những vấn đề quan trọng được các nước BRICS đề cập. Mặc dù đạt thành công đáng kể trong cuộc chiến chống đại dịch, các nước BRICS vẫn thừa nhận còn nhiều việc phải làm và cần ngăn ngừa làn sóng lây nhiễm mới. Đây là thách thức nghiêm trọng đòi hỏi sự linh hoạt và cải thiện hơn nữa hệ thống chăm sóc sức khỏe của tất cả các nước. Đối phó khủng hoảng, các nước BRICS đề cập khả năng thiết lập một hệ thống tích hợp cảnh báo sớm về các nguy cơ xuất hiện lây nhiễm hàng loạt và hệ thống này sẽ trở thành một cơ chế hoạt động mới của BRICS. 

Nhấn mạnh ủng hộ mạnh mẽ của BRICS đối với chủ nghĩa đa phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết duy trì sự ổn định và hòa bình trên thế giới; tăng cường đoàn kết và hợp tác cùng đối phó thách thức do đại dịch; ủng hộ mở cửa và đổi mới nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, nước này tôn trọng cam kết về mục tiêu trung hòa các-bon trước năm 2060, sẵn sàng hợp tác với các thành viên BRICS xây dựng mối quan hệ đối tác về cuộc cách mạng công nghiệp mới. Tổng thống Nga kêu gọi các nước thành viên BRICS hợp tác sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trên quy mô lớn và thúc đẩy sáng kiến của Nam Phi về thành lập Trung tâm nghiên cứu vắc-xin BRICS.

Các nước BRICS nhất trí mục tiêu phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác, bảo đảm “thập niên vàng” thứ hai cho khối. Tăng cường đoàn kết, tạo sự đồng thuận mạnh mẽ để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay là mục tiêu quan trọng, đem lại lợi ích cho các thành viên trong khối và góp phần vào sự phát triển chung, tạo động lực mới cho nền kinh tế toàn cầu.