Động thái răn đe

Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump chỉ thị hải quân bắn hạ các tàu của Iran nếu có hành động khiêu khích tại vùng Vịnh. Mỹ cũng đang thúc đẩy việc gia hạn và mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, trong bối cảnh Tehran liên tiếp có động thái biểu dương sức mạnh quân sự nhằm sẵn sàng đáp trả các hành động từ Mỹ.

Chỉ thị của Tổng thống D.Trump về tiến công và phá hủy mọi tàu chiến Iran nếu Hải quân Mỹ bị khiêu khích trên biển được đưa ra ngay sau khi Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo phóng vệ tinh quân sự đầu tiên của nước này lên quỹ đạo. Hải quân Mỹ đã cáo buộc 11 tàu quân sự của IRGC tiến hành “những hành động nguy hiểm và khiêu khích” gần các tàu tuần duyên của Mỹ trong vùng biển quốc tế ở vùng Vịnh. Trong khi đó, IRGC lại lên án việc lực lượng Mỹ đã hành xử theo cách “không chuyên nghiệp” tại vùng Vịnh, đe dọa nền hòa bình và làm gia tăng các nguy cơ mới ở khu vực. Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Thụy Sĩ, cơ quan đại diện quyền lợi của Mỹ tại Tehran, tới trụ sở bộ để phản đối những căng thẳng gần đây ở vùng Vịnh. Trong thông điệp chuyển tới Mỹ, Iran khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ quyền hàng hải của quốc gia Hồi giáo ở vùng Vịnh. Tư lệnh IRGC H.Salami tuyên bố, Iran sẽ phá hủy các tàu chiến Mỹ nếu an ninh của Tehran bị đe dọa. Bộ trưởng Quốc phòng Iran A.Hatami cũng khẳng định, các lực lượng vũ trang đã và đang giám sát một cách thận trọng các diễn biến tại khu vực nhằm sẵn sàng có động thái đáp trả.

Không từ bỏ chiến dịch gây “áp lực tối đa” nhằm vào Iran, ngay cả khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép về mọi mặt đối với Tehran. Washington tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt để kiềm chế chương trình phát triển tên lửa cũng như ảnh hưởng khu vực của Iran. Bất chấp kêu gọi từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hiệp châu Âu (EU), về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Iran và phê duyệt kế hoạch viện trợ kinh tế để giúp Tehran đối phó đại dịch, Mỹ đã phản đối kế hoạch hỗ trợ tài chính khổng lồ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 ở Trung Đông. Việc IMF thông qua kế hoạch triển khai chương trình Quyền rút vốn đặc biệt mới, tương tự một ngân hàng trung ương có chức năng phát hành tiền mới, được Washington cho là có lợi cho Iran. Bởi nếu được thực hiện, chương trình này có thể cung cấp hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối cho 189 quốc gia thành viên IMF, trong đó có Iran.

Liên tục đối mặt các đe dọa tiến công và chịu áp lực mạnh mẽ từ Mỹ, Iran tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ cũng như tiến hành các hành động biểu dương sức mạnh quân sự. IRGC thông báo phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên của Iran. Quân đội Iran cũng cho ra mắt hai hệ thống ra-đa phòng không có tầm hoạt động từ 400 đến 800 km, có thể phát hiện các mục tiêu nhỏ, thông thường hoặc tàng hình, ở tầm thấp và trung bình với độ chính xác và phân giải cao. Số lượng lớn các máy bay chiến đấu và do thám không người lái (UAV) do ngành công nghiệp quốc phòng Iran chế tạo cũng được đưa vào sử dụng. Tư lệnh Hải quân Iran tuyên bố, nước này đang lên kế hoạch chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, có khả năng hoạt động tại các vùng biển quốc tế. Cuối năm ngoái, Tổng thống Iran H.Rouhani đã tuyên bố nước này sẽ khôi phục quyền tiếp cận vào thị trường vũ khí toàn cầu, sau khi Hội đồng Bảo an LHQ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí chống nước này dự kiến vào tháng 10-2020, sau 5 năm áp đặt. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận được thực thi theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với các cường quốc nhóm P5+1 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, Mỹ gần đây tung ra các tin tức về tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, một vấn đề luôn bị Tehran phản đối, nhằm kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo nhấn mạnh, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran có thể tạo điều kiện khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm gia tăng bạo lực ở Trung Đông.

Hy vọng của Iran về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này chưa có gì bảo đảm sau khi xảy ra loạt động thái đe dọa sự tồn vong của thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Mỹ D.Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm 2018, trong khi Iran đáp trả bằng việc cắt giảm thực thi cam kết trong thỏa thuận. Các nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Mỹ đã chia sẻ chiến lược của mình với ba cường quốc châu Âu tham gia JCPOA là Anh, Pháp, Đức nhằm có được ủng hộ trong nỗ lực gây sức ép của Washington đối với Tehran. Trong bối cảnh đó, các tuyên bố đe dọa của Mỹ đối với Iran được cho là động thái răn đe nhằm ngăn cản các “tham vọng” của Iran trong chương trình sản xuất vũ khí mà bấy lâu nay Mỹ vẫn cáo buộc.