Động lực mới

Cùng với động lực tăng trưởng từ việc “phủ sóng” vắc-xin ngừa Covid-19, kinh tế Mỹ đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ một loạt chính sách kích cầu của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn.
 

Tiếp sau gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD nhằm khắc phục những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ Mỹ vừa công bố một loạt kế hoạch, chính sách quan trọng tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế số một thế giới. Theo đó, hôm 31-3, Tổng thống G.Bai-đơn công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn đầu của kế hoạch này, nước Mỹ sẽ nâng cấp hơn 32.000 km đường và 10.000 cây cầu, mở rộng truy cập băng thông rộng cho các cộng đồng cư dân ở nông thôn và các cộng đồng chưa được cung cấp dịch vụ, nâng cấp các đường ống nước quốc gia, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất... Kế hoạch "nghìn tỷ USD" được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế và tạo ra nhiều việc làm với mức lương cao cho tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, ông G.Bai-đơn cũng khẳng định "việc cần làm ngay" là phải thông qua "Kế hoạch việc làm cho người Mỹ" nhằm đại tu một nền kinh tế "méo mó và không công bằng", cũng như giúp Mỹ cạnh tranh với các quốc gia khác.

Ðộng lực tăng trưởng và triển vọng kinh tế Mỹ còn được gia tăng nhờ đẩy mạnh chiến dịch "phủ sóng" vắc-xin ngừa Covid-19, khôi phục lĩnh vực du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện Mỹ tiêm chủng 2,5 triệu liều vắc-xin/ngày và đang hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn người dân vào ngày Quốc khánh Mỹ 4-7, qua đó tạo nền tảng cho ngành du lịch khởi sắc. Thống kê của Cơ quan An toàn giao thông Mỹ vừa công bố cho thấy, từ giữa tháng 3 đến nay, mỗi ngày có từ 1 đến 1,5 triệu người đi lại bằng đường hàng không. So với năm 2019, con số này vẫn chưa bằng 50%, nhưng đã có bước cải thiện đáng kể so với thời điểm đỉnh dịch ở Mỹ. Các doanh nghiệp du lịch Mỹ đang lạc quan về triển vọng phục hồi của ngành này nhờ có vắc-xin phòng Covid-19. Kết quả một cuộc thăm dò mới của Longwoods cho thấy, 87% số du khách Mỹ đã có kế hoạch đi du lịch trong sáu tháng tới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ vào tháng 3-2020. Ngoài ra, chỉ có một phần ba số du khách được hỏi cho biết, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định đi du lịch của họ trong sáu tháng tới, mức thấp nhất trong một năm.

Một yếu tố quan trọng nữa hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế Mỹ thời gian tới là Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn mới đây đã ký ban hành luật về kéo dài chương trình cho vay cứu trợ Covid-19 nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ thoát khỏi tình trạng khốn đốn hiện nay. Dự luật cứu trợ được thông qua với số phiếu áp đảo sẽ cho phép kéo dài thời hạn chót thêm hai tháng từ ngày 31-3 đến 31-5, để các doanh nghiệp có thể nộp đơn xin hỗ trợ thông qua Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP). Dự luật cũng cho phép Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) xử lý các đơn xin hỗ trợ doanh nghiệp đến ngày 30-6. Báo chí Mỹ cho biết, cùng với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD được Tổng thống G.Bai-đơn ký thành luật đã cung cấp thêm nguồn vốn cho PPP để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Theo SBA, khoảng 79 tỷ USD tài trợ của gói cứu trợ nêu trên được dành cho chương trình cho vay này.

Các chính sách quyết liệt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã giúp triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sáng sủa hơn và gia tăng lòng tin tiêu dùng tại nền kinh tế số một thế giới. Theo khảo sát của tổ chức nghiên cứu Conference Board được công bố cuối tháng 3, chỉ số lòng tin tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 19,3 điểm, lên 109,7 điểm trong tháng 3, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát đúng một năm trước. Mức tăng này là mạnh nhất kể từ tháng 4-2003. Trong khi đó, các dự báo mới nhất của các định chế tài chính và giới phân tích đều nhận định lạc quan về kinh tế Mỹ. Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) C.Gioóc-giê-va nhận định rằng, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy một sự phục hồi tốc độ trên thế giới, khi nền kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng mạnh vào cuối năm 2021. Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) G.Pao-oen cũng cho rằng, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ "có vẻ được củng cố" và FED dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 - mức cao nhất kể từ năm 1984, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,5% vào cuối năm.

Với những động lực tăng trưởng quan trọng nêu trên, "bức tranh kinh tế Mỹ" ngày càng sáng sủa hơn. Tuy nhiên, theo nhận định của người đứng đầu IMF thì nhìn chung, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn "bị phủ bóng bởi nhiều bất trắc" khi hoạt động kinh tế phụ thuộc vào tình hình đại dịch, tiến độ tiêm chủng và sự xuất hiện của các biến thể vi-rút mới. Trong bối cảnh đó, chống dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn là "nhiệm vụ kép" mà chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn luôn phải quan tâm.