Đối thoại thay đối đầu

Sau khi giới chức Iran tuyên bố nước này sẽ tiếp tục cắt giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc, các nước châu Âu đang nỗ lực nối lại đối thoại nhằm cứu vãn thỏa thuận lịch sử này.

Trong lúc cả Mỹ và Iran đều đưa ra những tuyên bố nhằm nắn gân nhau, thì Tehran “đẩy quả bóng” quyết định việc quay lại thỏa thuận hạt nhân cho các nước châu Âu khi yêu cầu châu Âu thực hiện các cam kết bảo vệ quốc gia Hồi giáo trước lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Iran giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Mới đây nhất, Tehran tiếp tục tuyên bố cắt giảm cam kết mỗi lần 60 ngày, trừ khi các bên tham gia thỏa thuận có các biện pháp bảo vệ Iran trước lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo đó, quốc gia Hồi giáo sẽ nâng mức làm giàu u-ra-ni lên 5% nhằm sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy điện. Tổng thống Iran H.Rouhani cũng từng cảnh báo lò phản ứng hạt nhân A-rắc của nước này sẽ hoạt động trở lại và Iran “sẽ làm giàu u-ra-ni tới mức nào muốn”, cao hơn giới hạn theo thỏa thuận. Iran cũng cho biết khả năng sẽ nối lại việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nặng, có thể chế tạo plu-tô-ni, tại A-rắc, dự án vốn không được nhắc đến trong JCPOA. Iran nhấn mạnh, trong suốt 14 tháng qua, Tehran đã áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” nhằm cứu JCPOA.

Động thái của Iran khiến các quốc gia liên quan lo ngại. Trong cuộc điện đàm hơn một giờ đồng hồ với người đồng cấp Iran, Tổng thống Pháp E.Macron bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự suy yếu mới của JCPOA, đồng thời cảnh báo việc này sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề. Ông Macron cam kết sẽ duy trì đối thoại với chính quyền Iran và các bên liên quan khác nhằm giảm căng thẳng. Liên hiệp châu Âu (EU) hối thúc Iran chấm dứt và hủy bỏ tất cả các hoạt động trái với cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời liên hệ chặt chẽ với các bên khác tham gia JCPOA về những bước đi tiếp theo trong khuôn khổ các điều khoản của thỏa thuận.

JCPOA quy định Iran chỉ được làm giàu u-ra-ni ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Iran được sản xuất u-ra-ni có tỷ lệ làm giàu thấp với lượng tối đa 300 kg và lượng u-ra-ni dư thừa có thể được bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, Iran mới đây tuyên bố đã nâng mức làm giàu u-ra-ni vượt ngưỡng cho phép.

Trước sự đáp trả cứng rắn của Iran, Tổng thống Mỹ D.Trump cảnh báo Tehran “nên cẩn thận” với quyết định gia tăng hoạt động làm giàu u-ra-ni. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo tuyên bố, Iran sẽ phải gánh chịu thêm các biện pháp trừng phạt vì vi phạm giới hạn làm giàu u-ra-ni. Mỹ cho biết sẽ duy trì sức ép tối đa cho tới khi Iran thay đổi tiến trình hành động và chấm dứt “tham vọng” cũng như hành vi của mình.

Các động thái từ phía Iran khiến cộng đồng quốc tế không quá bất ngờ khi quốc gia Hồi giáo có lịch sử đối đầu đầy cứng rắn với Mỹ. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và gia tăng trừng phạt Tehran đã gây khó khăn cho nền kinh tế Iran. Bởi thế, một lần nữa việc thực thi cam kết trong JCPOA lại được đưa ra mặc cả. Iran tuyên bố, tất cả các biện pháp nhằm thu hẹp các cam kết của nước này đối với thỏa thuận hạt nhân vẫn “có thể đảo ngược” nếu các nước châu Âu tham gia ký JCPOA hoàn thành những nghĩa vụ cam kết. Iran nhấn mạnh, nước này đang bảo lưu quyền tiếp tục sử dụng các biện pháp điều chỉnh hợp pháp trong khuôn khổ JCPOA để bảo vệ các lợi ích của mình nhằm đối phó với “chủ nghĩa khủng bố” kinh tế của Mỹ.

Tehran cũng để ngỏ cánh cửa đối thoại, theo đó, cho rằng Mỹ có thể tham gia cuộc họp với các bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran, với điều kiện Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng của quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, điều kiện đàm phán với Mỹ của Tehran khó có thể được Washington chấp thuận khi Tổng thống Mỹ D.Trump nhiều lần khẳng định quan điểm đối thoại không có điều kiện tiên quyết.

Các điều kiện đi tới đàm phán của cả Mỹ và Iran đều khiến hai bên chưa thể chấp thuận. Trong khi đó, đối thoại thay đối đầu vẫn là giải pháp duy nhất để có thể hạ nhiệt căng thẳng. “Quả bóng” hiện lại nằm ở phía “sân” của các nước châu Âu, trong khi các cường quốc châu Âu vẫn chưa thể tìm cách phát huy cơ chế hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ lợi ích của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, các nỗ lực ngoại giao tiếp tục được xúc tiến với kỳ vọng là phương thức khả thi nhất nhằm ngăn chặn các bước leo thang nguy hiểm trong cuộc đối đầu Mỹ - Iran.