Đối tác truyền thống và chiến lược

Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz-Canel vừa thăm Liên bang Nga, chỉ hơn ba tuần sau chuyến công du Cuba của Thủ tướng Nga D.Medvedev. Những hoạt động ngoại giao cấp cao nối tiếp dồn dập giữa hai nước không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Cuba - Nga, mà còn làm nổi bật tính chiến lược mà hai bên khẳng định chỉ có giữa “những người bạn, những đối tác thật sự, trước sau như một, không phụ thuộc hoàn cảnh”.

ổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel. (Ảnh: TTXVN)
ổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến thăm Nga từ ngày 27 đến 30-10 vừa qua là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Cuba D.Canel sau khi ông được bầu vào vị trí đứng đầu Nhà nước, một chức danh mới theo quy định trong Hiến pháp sửa đổi, được thông qua hồi tháng 2-2019. Trước đó, trong hai ngày 3 và 4-10, Thủ tướng Nga D.Medvedev đã thực hiện thành công chuyến thăm Cuba, mà nhà lãnh đạo Chính phủ Nga đánh giá là “không chỉ mang tính chất hữu nghị, mà còn hàm chứa cả tính thực tế”. Chưa bàn tới các kết quả đạt được, chỉ riêng tần suất dày đặc và dồn dập của hoạt động ngoại giao cấp cao, với hai chuyến thăm trong chưa đầy một tháng, đã cho thấy mong muốn và mục tiêu mở rộng hợp tác chiến lược giữa hai đối tác truyền thống lâu đời.

Thủ tướng D.Medvedev là nhà lãnh đạo Nga đầu tiên thăm Cuba sau chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng của Tổng thống Nga V.Putin tới La Habana năm 2014. Chuyến công du được thực hiện ngay trước thềm phiên họp đặc biệt của Quốc hội Cuba hôm 10-10, trong đó bầu ra các chức danh mới lãnh đạo nước này. Trong khi đó, chọn Nga là một điểm đến trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên với cương vị và trọng trách mới, tân Chủ tịch nước Cuba D.Canel khẳng định, điều này mang ý nghĩa biểu tượng, gửi đi thông điệp về mối quan hệ gắn kết Cuba - Nga. Những lựa chọn nêu trên đã phản ánh những ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của cả hai bên, đó là củng cố hợp tác truyền thống, tạo tiền đề cho một mối quan hệ mới, khăng khít và hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Nền tảng cho mối quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Cuba và Nga chính là truyền thống hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Là những đối tác thân thiết từ thời chiến tranh lạnh, dù cách xa nhau về địa lý, song Cuba và Nga luôn duy trì hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là về chính trị, kinh tế và phối hợp trong các vấn đề khu vực, quốc tế. Nga ủng hộ chính sách độc lập chủ quyền của Cuba, phản đối các lệnh bao vây, cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt một cách phi lý chống Cuba suốt sáu thập niên qua. Năm 2014, Nga đã xóa tới 90% khoản nợ trị giá 35 tỷ USD cho Cuba, động thái được đánh giá là khởi đầu cho một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước...

Các chuyến thăm lẫn nhau dịp này được tăng cường, trong bối cảnh cả Cuba và Nga đang chống chọi nhiều khó khăn, xuất phát từ các biện pháp gây sức ép và trừng phạt của Mỹ. Hiện Cuba đang đối mặt tình trạng thiếu nhiên liệu, do các biện pháp cấm vận nhằm ngành dầu mỏ của Venezuela, nguồn cung dầu thô chủ yếu của Cuba. Nga cũng hứng chịu các đợt trừng phạt liên tiếp từ Mỹ và phương Tây kéo dài 5 năm qua, sau sự kiện bán đảo Crưm sáp nhập LB Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn ủng hộ và sẵn sàng tham gia tiến trình cập nhật mô hình kinh tế - xã hội của Cuba...

Nga đang đón đầu các cơ hội kinh tế, khi “đảo quốc vùng Caribbean” bước vào giai đoạn mới, với việc triển khai bản Hiến pháp sửa đổi, phù hợp với con đường phát triển của đất nước cũng như bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi. Việc thúc đẩy quan hệ với đối tác truyền thống, như Cuba, có thể làm tăng lợi thế của Moscow trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Mỹ la-tinh.

Với Cuba, tăng cường quan hệ với Nga trong tư cách những đối tác thân thiết, bình đẳng và cùng có lợi, đồng nghĩa có thêm động lực và nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế trong nước, chống chọi đòn cấm vận phi lý của Mỹ.

Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, Cuba và Nga có nhiều lý do và cơ hội để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực chiến lược. Kết quả cụ thể là một loạt thỏa thuận, dự án hợp tác vừa được hai nước ký kết nhân dịp này, trong hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến kỹ thuật quân sự, văn hóa, du lịch...