Bình luận quốc tế

Đối mặt “cơn gió ngược”

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh cam kết sử dụng các công cụ chính sách để giảm nguy cơ kinh tế thế giới trượt dốc. Ngoài việc giải quyết các bất đồng, đạt sự đồng thuận trong các vấn đề nhằm thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, các thành viên G20 nhất trí giãn nợ cho những nước nghèo nhất.

Bộ trưởng Tài chính A-rập Xê-út Mohammed al-Jadaan chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa những người đứng đầu ngành tài chính và ngân hàng các nước G20, ngày 18-7. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Tài chính A-rập Xê-út Mohammed al-Jadaan chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa những người đứng đầu ngành tài chính và ngân hàng các nước G20, ngày 18-7. (Ảnh: Reuters)

Dưới sự chủ trì của A-rập Xê-út, nước hiện giữ chức Chủ tịch G20, cuộc họp trực tuyến của những người đứng đầu ngành tài chính và ngân hàng các nước G20 diễn ra trong bối cảnh dự báo về một tương lai không sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới dự báo suy giảm 4,9% trong năm 2020, trong khi dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) là giảm ở mức 5,2%. Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước. Khó khăn kinh tế toàn cầu kéo theo cuộc khủng hoảng nợ tại các nước nghèo.

Tại cuộc họp trực tuyến hồi tháng 4 vừa qua, G20 và các nước Câu lạc bộ Pa-ri đã thống nhất giãn nợ cho những nước nghèo nhất, lần này, G20 hối thúc việc thực thi giãn nợ cho các nước nghèo, coi đây là việc làm cần thiết để giúp các nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng. G20 cho rằng, cả phía vay và cho vay cần thực hiện sáng kiến này một cách đầy đủ và minh bạch. Hiện, G20 đã nhận được yêu cầu giãn nợ đối với các khoản vay tổng cộng 5,3 tỷ USD từ 42 trong tổng số 73 quốc gia nghèo nhất thế giới.

Nỗ lực của các nước G20  là sử dụng tất cả công cụ chính sách để bảo vệ cuộc sống, việc làm, thu nhập của người dân, hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng cường hệ thống tài chính toàn cầu. Các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng G20 đã thảo luận các quy định thuế quốc tế mới đối với các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Apple và Amazon, trong bối cảnh nhiều ý kiến phản ánh các công ty này nộp mức thuế không công bằng. G20 cũng cam kết tiếp tục thương lượng về quy định thuế nhằm thu hẹp bất đồng và duy trì hợp tác hướng tới một hệ thống thuế quốc tế hiện đại, công bằng và bền vững. Bên lề hội nghị, nhóm B20 liên kết với G20 cũng đã họp trực tuyến với hơn 500 lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới. Đại diện giới doanh nghiệp kêu gọi một sự phối hợp trên quy mô toàn cầu nhằm bảo đảm các chính phủ và doanh nghiệp có thể chống chọi với làn sóng lây nhiễm Covid-19 tiếp theo. Giới doanh nghiệp, không phân biệt khối tư nhân hay nhà nước, đều nhận thức cần chung tay phối hợp để bảo vệ người lao động, cùng các chính phủ nhằm giữ cho “cỗ máy” kinh tế toàn cầu vận hành ở mức cao. 

Là đầu tàu kinh tế châu Âu, tại cuộc họp của G20 lần này, Đức đã cam kết viện trợ ba tỷ ơ-rô để giúp các nước nghèo nhất thế giới. Các quỹ sẽ được cung cấp dưới dạng các khoản vay dài hạn cho Quỹ Giảm nghèo và tăng trưởng (PRGT) của IMF. Béc-lin cho biết sẽ cung cấp tổng cộng 8,7 tỷ ơ-rô cho các gói viện trợ quốc tế vào năm 2020 và 2021. Tổng Giám đốc IMF C.Gioóc-giê-va hoan nghênh “sự hào phóng” của Đức và kêu gọi các nhà tài trợ khác cũng đưa ra các cam kết tương tự. IMF trước đó cũng nhận được cam kết tổng cộng 11,7 tỷ USD từ Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Ca-na-đa, Pháp và Anh để bổ sung cho PRGT. Sự vắng mặt của Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, trong việc tham gia nỗ lực trợ giúp các nước nghèo, khiến các thành viên G20 không khỏi băn khoăn. Hội nghị lần này là cơ hội để G20 hối thúc các thành viên trong khối chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào nỗ lực vực dậy nền kinh tế thế giới.

Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo, mặc dù có một số dấu hiệu phục hồi, song nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt những “cơn gió ngược” kéo dài, bao gồm cả nguy cơ xuất hiện những làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng. Chủ tịch WB Đ.Man-pát từng cho rằng, một số nước cần được xóa nợ để không bị rơi vào “bẫy nghèo đói” dài hơn. Những cam kết và hành động mà G20 đang thúc đẩy được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và coi đó là những biện pháp cần thiết nhằm giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiến tới phục hồi, bảo đảm tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.