Bình luận quốc tế

Đối đầu khó khăn

Trong quý I-2020, GDP của Nhật Bản giảm 3,4% so với quý trước đó, trong bối cảnh tiêu dùng cá nhân, chi phí tài sản cố định và xuất khẩu giảm mạnh do chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 4 đạt 5.200 tỷ yên (khoảng 48 tỷ USD), giảm 21,9% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 17 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu giảm và là mức giảm mạnh nhất kể từ mức giảm 23,2% hồi tháng 10-2009 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 7,2% còn 6.130 tỷ yên. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản giảm. Kết quả là Nhật Bản bị thâm hụt thương mại 930,4 tỷ yên (8,6 tỷ USD) trong tháng 4.

Theo dự báo mới nhất, dịch Covid-19 có thể làm mất tới 3,01 triệu việc làm tại Nhật Bản trong tài khóa 2020 (đến hết tháng 3-2021). Đây là dự báo được Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu, có trụ sở tại Nagoya, đưa ra ngày 20-5. Nếu đến cuối năm nay Nhật Bản mới khống chế được dịch bệnh, thì số người lao động sẽ giảm 4,5% so với năm 2019. Giới chuyên gia cho rằng tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Nhật Bản còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009, khi chỉ có khoảng 950.000 người bị mất việc làm.

Chính phủ Nhật Bản ngày 22-5 xác nhận, trong tháng 4 vừa qua, nước này đã rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu trong hơn ba năm. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng lõi (không gồm giá thực phẩm tươi sống) ở Nhật Bản giảm 0,2% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thô nhập khẩu giảm khiến giá xăng và các nhiên liệu khác giảm theo. Cụ thể, giá xăng giảm 9,6%, trong khi giá dầu hỏa giảm 9,1%. Bên cạnh đó, giá thuê khách sạn cũng giảm 7,7%, chủ yếu do các biện pháp hạn chế của chính phủ dẫn tới sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến Nhật Bản.

Do tỷ lệ lạm phát lần đầu trong hơn ba năm rơi vào vùng âm cho nên việc hiện thực hóa mục tiêu đạt mức lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang dần trở nên xa vời. Trong bối cảnh đó, sáng 22-5, BOJ đã tổ chức cuộc họp chính sách bất thường nhằm thảo luận các biện pháp phối hợp với các chính sách khẩn cấp của chính phủ để vực dậy nền kinh tế. Đây là kỳ họp bất thường lần đầu của BOJ trong chín năm qua.

Tại cuộc họp, BOJ chính thức thông qua gói chính sách hỗ trợ vốn mới với quy mô 30.000 tỷ yên để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, gói chính sách mới sẽ bắt đầu triển khai thực hiện từ giữa tháng 6 tới và kéo dài đến cuối tháng 3-2021. Đối tượng được thụ hưởng là các tổ chức tài chính cấp vốn cho doanh nghiệp có xác nhận bảo đảm tín dụng và một số tổ chức tài chính có nhiều giao dịch với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

BOJ sẽ cung cấp khoản vay với lãi suất bằng 0 cho các tổ chức tín dụng làm nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp với thời hạn dưới một năm, đồng thời chi trả lãi suất 0,1% cho các khoản tăng thêm để khuyến khích các tổ chức tín dụng cấp vốn cho các doanh nghiệp. BOJ cũng thông qua biện pháp mua tối đa 20.000 tỷ yên trái phiếu và thương phiếu của các doanh nghiệp phát hành để điều chỉnh vốn, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện biện pháp can thiệp thị trường công khai dự kiến kết thúc vào tháng 9-2020. Với biện pháp cung cấp vốn mới lần này, gói chính sách mà BOJ thực hiện để đối phó dịch Covid-19 đến nay đã lên đến 75.000 tỷ yên.

Tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế 1.100 tỷ USD. Gói này tập trung vào các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho các hộ gia đình và các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương bởi đại dịch. Tuy nhiên, các nhà lập pháp trong liên minh cầm quyền đang kêu gọi chính phủ tăng cường hỗ trợ vì việc áp dụng tình trạng khẩn cấp làm tăng khả năng sẽ có nhiều vụ phá sản và tình trạng mất việc làm tràn lan.

Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái sâu do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe cho biết, chính phủ sẽ nhanh chóng triển khai bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế nhằm giảm tác động của đại dịch. Chính phủ Nhật Bản sẽ lập khoản ngân sách bổ sung thứ hai để kịp trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp hiện tại dự kiến kết thúc ngày 17-6 tới. Ông Abe cho biết, quy mô của khoản ngân sách này sẽ phụ thuộc tình hình thực tế các tỉnh dỡ bỏ lệnh phong tỏa hiện được áp đặt trên toàn quốc.