Đoàn kết trong cuộc chiến cam go

Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) vừa thông qua nghị quyết kêu gọi tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 ở các nước nghèo và có xung đột. Đây là nghị quyết thứ hai của HĐBA liên quan Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến cam go chống Covid-19.

Được toàn bộ 15 nước ủy viên thông qua ngày 26-2, nghị quyết mới nhất của HĐBA kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ tài chính cho mọi sáng kiến trong đó có COVAX, nhằm bảo đảm phân phối vắc-xin công bằng với giá hợp lý tới các quốc gia, khu vực đang trong tình trạng xung đột, khủng hoảng nhân đạo, hay nghèo đói. Nghị quyết yêu cầu các bên xung đột chấm dứt chiến sự, thực hiện ngừng bắn nhân đạo, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, phân phối vắc-xin và cứu trợ nhân đạo, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu liên quan cung cấp vắc-xin và dịch vụ y tế tới người bệnh Covid-19. HĐBA cũng kêu gọi các nước thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác và chia sẻ kết quả nghiên cứu, công nghệ và kiến thức ứng phó đại dịch. Đặc biệt, nghị quyết khẳng định tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, hợp tác toàn cầu và vai trò trung tâm của LHQ trong nỗ lực ứng phó hiệu quả dịch bệnh và phục hồi bền vững sau đại dịch.

Nghị quyết của HĐBA kêu gọi tăng cường chia sẻ vắc-xin được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang chạy đua đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà, nỗ lực được coi là một trong những yếu tố chủ chốt giúp hạ nhiệt dịch Covid-19 tại nhiều điểm nóng. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến cuối tuần trước, số ca mắc Covid-19 đã giảm dần tại 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, gần gấp đôi con số 62 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận xu hướng số ca bệnh tăng.

Giới chuyên gia nhận định, "xu hướng cải thiện" nêu trên có được nhờ yếu tố quan trọng là việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng tại nhiều nơi. Liên hiệp châu Âu (EU) quyết định tăng tốc chiến dịch tiêm phòng Covid-19. I-xra-en đã tiêm vắc-xin cho hơn 50% dân số. Mỹ hoàn thành 50% mục tiêu chương trình tiêm chủng chỉ trong khoảng một phần ba thời gian đề ra. Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Nam Phi... là những nước mới nhất khởi động tiêm vắc-xin đại trà, một loạt nước khác cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch tiêm chủng quốc gia. Theo nhiều nguồn thống kê, đến nay có khoảng 220 triệu đến 230 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm cho người dân ở khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tăng cường tiêm phòng đại trà đã được xác định là hướng đi đúng, hy vọng cho cuộc chiến chống Covid-19 càng lớn hơn khi có thêm nhiều loại vắc-xin được cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khả năng tiếp cận vắc-xin vẫn chưa đồng đều. Khảo sát của hãng tin AFP chỉ rõ, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chỉ chiếm 10% dân số, nhưng lại chiếm tới 45% trong số hơn 220 triệu liều vắc-xin đã được tiêm. Các nước có thu nhập cao và trung bình, chiếm khoảng 50% dân số thế giới, nhưng tiếp nhận tới 92% tổng số vắc-xin được phân phối ra thị trường. Trong khi đó, trong số 30 nước có thu nhập thấp mới có Ghi-nê và Ru-an-đa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng; Ga-na là nước đầu tiên nhận được vắc-xin theo cơ chế COVAX do WHO bảo trợ. Ước tính, số dân các nước chưa triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hiện chiếm tới 20% dân số toàn cầu. WHO từng cảnh báo, các nước giàu tích trữ vắc-xin hoặc mua số lượng quá mức cần thiết đang hạn chế khả năng tiếp cận công cụ chống dịch hữu hiệu này tại các nước nghèo. Những thỏa thuận mua bán vắc-xin giữa các nước có thu nhập cao với các hãng dược phẩm có thể làm suy yếu sáng kiến COVAX, vốn đem đến hy vọng cho nhiều nước nghèo và thu nhập thấp.

Các nhà khoa học đã chỉ ra yếu tố có thể giúp giảm tốc độ lây lan dịch Covid-19, đó là nhanh chóng triển khai chiến dịch chủng ngừa và sớm hình thành miễn dịch cộng đồng. Để thực hiện, vắc-xin ngừa Covid-19 là công cụ sắc bén, hiệu quả. Việc vắc-xin được phân phối công bằng, các nước giàu chia sẻ với các nước nghèo càng trở nên cấp thiết. Nghị quyết mới nhất của HĐBA đã đáp ứng nhu cầu thực tế và nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế.