Dấu ấn chủ động và tích cực

Nửa đầu năm 2020, thế giới đương đầu nhiều thách thức, cả về an ninh - chính trị và kinh tế - xã hội, nhất là “khủng hoảng kép” từ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt đời sống quốc tế. Trong chặng đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam ghi đậm dấu ấn về sự chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào công việc chung, qua đó khẳng định vị thế đất nước.
 

Cảnh sát đang canh gác gần nhà của người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại một khu vực cách ly ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 13-3-2020. (Ảnh: Reuters)
Cảnh sát đang canh gác gần nhà của người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại một khu vực cách ly ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 13-3-2020. (Ảnh: Reuters)

Sáu tháng đầu năm 2020, thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển biến mau lẹ và phức tạp. Trong khi nhiều cuộc xung đột kéo dài ở khu vực Trung Đông, châu Phi chưa tìm được giải pháp căn cơ, thì nhiều điểm nóng căng thẳng mới có nguy cơ bùng lên, ở cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song chủ nghĩa đa phương, các cơ chế khu vực và toàn cầu vẫn gặp nhiều trở ngại. Cọ xát chiến lược, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng, thậm chí đối đầu quyết liệt trong những vấn đề lợi ích sát sườn. Mâu thuẫn giữa một số cường quốc lan tới các diễn đàn đa phương, với cả LHQ.

Song, như nhận định của Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét, đại dịch Covid-19 mới là thách thức toàn cầu chưa từng có kể từ khi LHQ được thành lập. Trong lịch sử thế giới hiện đại, cộng đồng quốc tế chưa khi nào phải đối mặt thách thức an ninh phi truyền thống, có tác động rộng khắp, khó kiểm soát cả về phạm vi lẫn quy mô như hiện nay. Dịch Covid-19 tác động sâu sắc mọi mặt đời sống quốc tế, và tất nhiên, tới cả hoạt động của HĐBA. Sau ba tháng tạm “đóng cửa” vì Covid-19, HĐBA đã thích nghi với “trạng thái bình thường mới”, khi vận hành bộ máy thông qua hình thức trực tuyến và áp dụng các biện pháp tình thế trong các cơ chế tham vấn, thương lượng và bỏ phiếu từ xa.

Khó khăn nhiều, thách thức lớn là vậy, HĐBA vẫn hoàn thành khối lượng công việc lớn, với khoảng 200 cuộc họp và phiên thảo luận, cùng hàng trăm cuộc đàm phán, thương thảo về văn kiện ở các cấp khác nhau, về hầu hết các vấn đề ở tất cả các châu lục và khu vực. Trong sáu tháng, gần 70 văn kiện quan trọng, gồm các nghị quyết của HĐBA, tuyên bố của Chủ tịch HĐBA và các thông cáo, đã được HĐBA thông qua, về nhiều chủ đề, từ hòa bình và an ninh quốc tế, chống khủng bố, thích ứng với biến đổi khí hậu, đến viện trợ nhân đạo, trẻ em trong xung đột vũ trang, bình đẳng giới...

Những kết quả tích cực trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhất của LHQ có dấu ấn Việt Nam. Trong “vai trò kép” , là Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia, đóng góp cùng cộng đồng quốc tế, đồng thời thể hiện bản lĩnh, khẳng định vị thế quốc gia. Nỗ lực thúc đẩy quan tâm và lợi ích chung, Việt Nam đã tạo dấu ấn tốt đẹp ngay khi khởi đầu tham gia HĐBA. Trên cương vị Chủ tịch HĐBA trong tháng 1-2020, Việt Nam đã chủ trì, điều hành nhiều công việc định kỳ và đột xuất, như các cuộc họp chính thức, tham vấn, thảo luận về các quyết định, nghị quyết của HĐBA... Trong vai trò Điều phối viên Nhóm các Ủy viên không thường trực HĐBA (E10), Việt Nam thể hiện vai trò tích cực khi chủ động thúc đẩy tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa E10 và Tổng Thư ký LHQ, thảo luận về dịch Covid-19 và đây là cuộc họp đầu tiên của HĐBA về vấn đề này.

Đặc biệt, hai sáng kiến nổi bật đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế và ghi đậm dấu ấn Việt Nam tại HĐBA. Thứ nhất là Phiên thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam chủ trì, thu hút hơn 100 diễn giả phát biểu. Tuyên bố Chủ tịch do Việt Nam chủ trì soạn thảo đã được HĐBA thông qua, khẳng định giá trị bền vững của Hiến chương LHQ. Đây là lần đầu HĐBA thông qua một Tuyên bố Chủ tịch riêng rẽ về vấn đề tuân thủ Hiến chương LHQ. 

Thứ hai là Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN và cũng là lần đầu chủ đề này được thảo luận tại HĐBA. Tại đây, Tổng Thư ký LHQ, Tổng Thư ký ASEAN cùng lãnh đạo các nước đều đánh giá cao thành tựu của ASEAN về phát triển và hội nhập, giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và đóng góp cho cộng động quốc tế. Thành công của sự kiện này phản ánh tính chủ động của Việt Nam thúc đẩy hợp tác toàn diện và hiệu quả giữa LHQ với ASEAN, tăng cường gắn kết giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2020 với các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

Trong lần thứ hai đảm nhiệm trọng trách quốc tế là Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp vào công việc chung trên cơ sở kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; với tinh thần xây dựng, có trách nhiệm và cân bằng; thể hiện rõ lập trường ủng hộ, đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng và đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý, thông qua đàm phán cho các cuộc xung đột, cũng như các vấn đề đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. 

Những dấu ấn về sự chủ động và tích cực trong chặng đầu tiên tại HĐBA là nền tảng vững chắc, tạo đà thuận lợi để Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp thiết thực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và giữ môi trường ổn định để phát triển đất nước.