Dấu ấn chặng đầu

Tỷ lệ 59% số người Mỹ ủng hộ đã ghi nhận những nỗ lực nổi bật của Tổng thống G.Bai-đơn trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền. Ráo riết thực hiện lời hứa tranh cử, nhà lãnh đạo mới của Nhà trắng ghi dấu ấn thành tựu trong một loạt lĩnh vực, cả đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, thách thức còn lớn trên chặng đường hiện thực hóa thông điệp "nước Mỹ trở lại".

Ngày 28-4 đánh dấu mốc 100 ngày đầu tiên Tổng thống G.Bai-đơn "ngồi ghế nóng" tại Nhà trắng. Nhậm chức hôm 20-1, ông Bai-đơn tiếp quản hồ sơ các vấn đề của nước Mỹ, nổi cộm là đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế suy thoái, cùng sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường. Phía trước Tổng thống khi ấy là cả một "ngọn núi lớn" phải vượt qua. Ba tháng sau, phần nhiều các cam kết khi tranh cử đã được ông triển khai và hoàn tất; những gì chính quyền mới ở Mỹ đạt được thậm chí gây bất ngờ, nhất là các quan điểm chính sách, chiến lược cứng rắn và tham vọng đối ngoại đã được thực hiện trên quy mô rộng khắp.

Về đối nội, hai thành tựu nổi bật và được đánh giá cao nhất, đó là chương trình tiêm chủng quốc gia và gói hỗ trợ kinh tế. Với việc đạt mục tiêu 200 triệu mũi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hồi tuần trước, Tổng thống G.Bai-đơn đã hoàn tất thực hiện lời hứa "hàn gắn nước Mỹ trong đại dịch". Cách thức và nỗ lực ứng phó đại dịch của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn nhận được sự ủng hộ của phần đông người Mỹ. Mục tiêu tích cực và khả năng điều phối thương thuyết của giới chức Nhà trắng đã giúp gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, mà Tổng thống G.Bai-đơn đặt tên là Kế hoạch giải cứu nước Mỹ, được thông qua tại Quốc hội lưỡng viện. Với các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, tới từng người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn vì Covid-19, gói chi tiêu khổng lồ này hứa hẹn phát huy tác dụng, giúp nhanh chóng phục hồi nền kinh tế số một thế giới. Những dấu hiệu kinh tế tích cực được duy trì, thúc đẩy kỳ vọng về "cú tăng trưởng vượt bậc hậu đại dịch". Tiếp đà thuận lợi, Nhà trắng còn đề xuất thêm một chương trình chi tiêu lớn cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia, qua đó tạo hàng triệu việc làm có chất lượng và thu nhập cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Trong lĩnh vực đối ngoại, một loạt quyết định đảo chiều chính sách của người tiền nhiệm được Tổng thống G.Bai-đơn đưa ra, theo đúng lộ trình cam kết đưa Mỹ trở lại. Cùng việc khôi phục đóng góp và phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quyết định trở lại tham gia Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, hay đàm phán về thỏa thuận hạt nhân I-ran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã đưa nước Mỹ về lại quỹ đạo hợp tác quốc tế. Sự kiện cấp cao quốc tế đầu tiên mà Tổng thống G.Bai-đơn chủ trì cũng là hội nghị bàn về vấn đề khí hậu, trong đó một loạt cam kết mới, mạnh mẽ hơn đã được các nước đưa ra, chung tay cùng nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.

Các mối quan hệ, liên minh truyền thống của nước Mỹ đã được khôi phục và tăng cường sau quãng thời gian trầm lắng. Các đồng minh của Mỹ trong NATO, Liên hiệp châu Âu (EU) và các đối tác chủ chốt ở châu Á, khu vực Trung Ðông... phần nào yên tâm và được bảo đảm hơn với thông điệp "nước Mỹ trở lại" cùng những bước điều chỉnh quan điểm và chính sách cụ thể của Tổng thống G.Bai-đơn. Một quyết định khó khăn, cho thấy sự quyết đoán của ông Bai-đơn, đó là đặt lịch trình đưa toàn bộ binh sĩ Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan về nước, chấm dứt cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại của "xứ cờ hoa".

Thành tựu trong chặng đường đầu tiên được ghi nhận tích cực, song phía trước Tổng thống G.Bai-đơn còn nhiều dự án dang dở, trong khi thách thức còn lớn, cả từ nội bộ, lẫn môi trường bên ngoài nước Mỹ. Những vấn đề nhức nhối của nước Mỹ vẫn còn đó, nhất là nạn bạo lực súng và phân biệt chủng tộc, hay nhiều nhiệm vụ từng vắt qua nhiều đời chính quyền Mỹ, như cải tổ hệ thống nhập cư, chăm sóc y tế, lực lượng thực thi pháp luật. Ðây đều là những khúc mắc từng khiến làn sóng bất bình dâng cao trong dư luận Mỹ. Việc xử lý bất đồng trong các mối quan hệ đối ngoại, nhất là với các cường quốc đối thủ vẫn là bài toán khó khiến Tổng thống G.Bai-đơn tiếp tục tìm lời giải.

Nỗ lực thực hiện lời hứa tranh cử của Tổng thống G.Bai-đơn đã được đền đáp, thể hiện qua tỷ lệ ủng hộ của người dân ở mức khá cao. Trong bối cảnh có nhiều sức ép, cả đối nội và đối ngoại, chặng đường đầu tiên đã ghi dấu những nỗ lực của Tổng thống G.Bai-đơn khôi phục và cải thiện hình ảnh nước Mỹ.