Đàm phán là giải pháp

Thời gian qua, hàng loạt hoạt động ngoại giao được xúc tiến, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan đang rơi vào bế tắc. Ngày 27-10, Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Z.Khalilzad đã đến thủ đô Kabul để gặp Tổng thống Afghanistan A.Ghani sau khi có các cuộc trao đổi chính thức với đại diện của Taliban ở Pakistan.

Trước đó, tại cuộc tham vấn bốn bên ở Moscow, đại diện Nga, Trung Quốc, Mỹ và Pakistan đã thảo luận về các biện pháp nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài ở Afghanistan.

Những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Dư luận khu vực và quốc tế hết sức hoan nghênh, đồng thời đánh giá cao việc mới đây tại thủ đô Moscow của Nga đã diễn ra cuộc tham vấn về thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan với sự tham gia của đại diện Nga, Trung Quốc, Mỹ và Pakistan. Tại cuộc tham vấn, các bên đã thảo luận về các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân Afghanistan đạt được hòa bình lâu dài, đồng thời tái khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Nam Á này.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc tham vấn, các bên khẳng định nhu cầu của người dân Afghanistan về chấm dứt cuộc nội chiến và đạt được hòa bình ổn định là điều hoàn toàn chính đáng. Trung Quốc, Nga và Pakistan ủng hộ việc nối lại đàm phán giữa Mỹ và Taliban, hy vọng hai bên có thể đạt được thỏa thuận sớm nhất để mở đường cho các cuộc đàm phán riêng giữa các phe phái tại Afghanistan.

Nhóm bộ tứ cũng cam kết giúp Chính phủ Afghanistan và tất cả các phe phái liên quan đạt được thỏa thuận hòa bình bền vững và tổng thể với Taliban, chấm dứt chiến sự, bảo đảm lợi ích cho người dân Afghanistan cũng như góp phần vào ổn định khu vực và an ninh toàn cầu.

Những nỗ lực kể trên diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình Afghanistan đang rơi vào bế tắc. Trong năm qua, đại diện Mỹ và Taliban nỗ lực thúc đẩy các cuộc hòa đàm về Afghanistan. Tháng 9 vừa qua, hai bên gần như tiến tới ký kết một thỏa thuận để thúc đẩy tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ D.Trump đã đình chỉ các cuộc đàm phán sau khi phiến quân Taliban thực hiện cuộc tiến công ở thủ đô Kabul làm 12 người chết, trong đó có một binh sĩ Mỹ.

Tình hình an ninh tại Afghanistan trở nên tồi tệ hơn sau khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban bị đình hoãn. Hàng loạt cuộc tiến công đẫm máu của Taliban đã diễn ra tại nhiều địa phương ở Afghanistan trong thời gian gần đây. Trong đó, vụ đánh bom xảy ra ngày 18-10 vừa qua tại đền thờ ở huyện Haska Mina, thuộc tỉnh Nangarhar, làm ít nhất 70 dân thường chết và gần 60 người bị thương. Trước đó, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, theo thống kê, số dân thường chết hoặc bị thương do xung đột tại Afghanistan từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua tăng cao “chưa từng thấy”: có 1.174 người chết và 3.139 người bị thương, tăng 42% so cùng kỳ năm 2018.

Trước tình hình an ninh tồi tệ ở Afghanistan, hàng loạt quan chức hàng đầu ở Mỹ liên tiếp đến đây thị sát tình hình. Ngày 20-10 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ N.Pelosi và một phái đoàn lưỡng viện Quốc hội Mỹ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện A.Schiff, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại E.Engel, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa B.Thompson và thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại M.Thornberry đã có chuyến thăm không báo trước tới Afghanistan. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esper cũng bất ngờ tới Kabul.

Trong một thông báo, Phủ Tổng thống Afghanistan cho biết, Tổng thống Afghanistan A.Ghani đã có cuộc gặp riêng rẽ với Chủ tịch Hạ viện Mỹ N.Pelosi và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esper. Trong đó, hai bên đã trao đổi về một loạt chủ đề, trong đó có tình hình an ninh tại Afghanistan và khu vực, thúc đẩy hòa đàm với Taliban, cuộc chiến chống tham nhũng và chống khủng bố.

Nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga, Mỹ và Pakistan… kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Afghanistan giảm ngay lập tức tình trạng bạo lực để tạo ra không khí tích cực cho các cuộc đàm phán. Dư luận cho rằng, chỉ có thể giải quyết hiệu quả vấn đề Afghanistan thông qua các giải pháp chính trị và ngoại giao. Hòa bình và ổn định lâu dài chỉ có thể đến với người dân Afghanistan thông qua đàm phán chính trị.