Cuộc đua “song mã”

Chỉ còn hai tuần nữa là nước Anh bước vào cuộc tổng tuyển cử. Trong giai đoạn nước rút này, hai chính đảng lớn nhất là đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập đang cạnh tranh mạnh mẽ, tạo nên cuộc đua “song mã” quyết liệt trên chính trường Anh.

Nhằm tranh thủ lá phiếu của cử tri “xứ sở sương mù”, cả đảng Bảo thủ và Công đảng đều đưa ra các tuyên bố tranh cử và định hướng chính sách của mình trong trường hợp trở thành đảng cầm quyền ở nước Anh nhiệm kỳ tới. Công đảng đã công bố cương lĩnh tranh cử đặc biệt dành riêng cho vấn đề bất bình đẳng xã hội, trong đó các nội dung thu hút chú ý là chủng tộc, bất bình đẳng việc làm, giáo dục và sự tham gia vào hoạt động cộng đồng của những nhóm thiểu số và các cộng đồng tín ngưỡng. Công đảng còn đề xuất thiết lập một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính phụ trách vấn đề bình đẳng sắc tộc và có nhiệm vụ giám sát quá trình thực hiện các cam kết chi tiêu cũng như đánh giá tác động của những cam kết này đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Trước đó, Công đảng cũng cam kết sẽ chi thêm 26 tỷ bảng Anh (33 tỷ USD) cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 12-12 tới. Khoản tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ tuyển thêm hàng nghìn nhân viên y tế, tái thiết các cơ sở vật chất và mua thêm thiết bị. Đồng thời, Công đảng lên tiếng chỉ trích rằng Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) đã không được quan tâm trong thời kỳ đảng Bảo thủ cầm quyền.

Thủ lĩnh Công đảng G.Corbyn còn đưa ra các cam kết về việc quốc hữu hóa, đầu tư lớn cho lĩnh vực dịch vụ công và cải cách doanh nghiệp. Về tiến trình Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu - EU), ông G.Corbyn cho biết, sẽ ký một thỏa thuận “rút lui” mới với EU và tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về tư cách thành viên của Anh trong “mái nhà chung” này. Thủ lĩnh Công đảng cũng tuyên bố giữ lập trường trung lập trong cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit nếu đắc cử thủ tướng. Ông G.Corbyn được coi là đối thủ “nặng ký” của Thủ tướng B.Johnson trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Anh. Giới phân tích nhận định rằng, cam kết và cương lĩnh tranh cử của Công đảng không chỉ tập trung vào vấn đề Brexit, mà còn quan tâm các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, nhóm người yếu thế trong xã hội. Đảng này cũng cam kết về một kế hoạch cải tổ triệt để nhất trong nhiều thập kỷ cho các vấn đề nêu trên.

Theo cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ, ông B.Johnson cam kết sẽ hoàn tất nhiệm vụ đưa nước Anh rời EU và kiến tạo một “nước Anh mới”. Cương lĩnh của đảng Bảo thủ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế, môi trường sinh thái của đất nước nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri “xứ sở sương mù”. Theo đó, đảng Bảo thủ khẳng định mục tiêu đến năm 2030, sản lượng điện gió ngoài khơi đạt 40 GW, tăng so với mục tiêu 30 GW hiện nay. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chi 500 triệu bảng Anh vào các trạm sạc cho xe điện và bảo đảm không có gia đình nào cách trạm sạc quá 50 km. Cam kết được đưa ra trong bối cảnh vấn đề môi trường đang trở thành một “chủ đề nóng” trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Anh.

Về vấn đề Brexit, trong trả lời phỏng vấn đài BBC, ông B.Johnson khẳng định sẽ “bảo đảm tuyệt đối” rằng, chính phủ của ông không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp Brexit trước cuối năm nay. Trước đó, cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ cầm quyền cam kết sẽ thực hiện Brexit đúng thời hạn chót 31-1, bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng và sẽ ký thỏa thuận thương mại toàn diện với EU vào cuối năm 2020. Cương lĩnh nêu rõ sẽ không có liên kết chính trị với EU và Anh hoàn toàn kiểm soát vùng biển đánh cá của mình.

Đánh giá về cương lĩnh tranh cử và cam kết của đảng Bảo thủ, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, đảng này đã tập trung vào một số vấn đề “nóng” đang được cử tri Anh quan tâm. Tuy nhiên, đối với tiến trình Brexit, việc đặt mục tiêu ký thỏa thuận thương mại toàn diện với EU vào cuối năm 2020 là tham vọng “không thực tế”, vì quá trình thương thảo cần thời gian lâu hơn.

Việc Công đảng và đảng Bảo thủ ganh đua quyết liệt đang tạo nên “cuộc đua song mã” gay cấn trên chính trường Anh và kết quả bầu cử trở nên khó đoán. Kết quả khảo sát mới nhất do YouGov vừa công bố cho biết, ưu thế hiện đang nghiêng về đảng Bảo thủ khi đảng này dẫn trước Công đảng 13% về tỷ lệ cử tri ủng hộ. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho rằng một số đảng nhỏ hơn ủng hộ EU có thể sẽ thành lập liên minh hậu bầu cử với Công đảng, trong đó có đảng Tự do Dân chủ của bà G.Xuyn-xơn. Cuộc “so găng” giữa hai bên sẽ gay cấn hơn trong trường hợp đảng Tự do Dân chủ ủng hộ Công đảng, bởi theo kết quả thăm dò, đảng của bà G.Xuyn-xơn đang đứng ở vị trí thứ ba với khoảng 16% số cử tri ủng hộ.