Cuộc đối thoại cam go

Vòng đàm phán thứ tư nhằm đưa Mỹ và I-ran trở lại thỏa thuận hạt nhân đã đạt một số tiến triển, song diễn ra trong thời gian quá ngắn nên chưa thể tạo bước đột phá. Được cho là “một tiến trình ngoại giao cực kỳ tinh tế và căng thẳng”, các nhà đàm phán cố gắng nhích từng bước một, chậm nhưng chắc, nhằm tháo gỡ những vấn đề “gai góc nhất”. Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ Mỹ-I-ran tiếp tục là rào cản lớn cho nỗ lực thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Quá trình đàm phán không ngừng nghỉ diễn ra tại Viên (Áo) trong bối cảnh các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc thúc đẩy những nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân I-ran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU) G.Bo-ren bày tỏ hy vọng quá trình đàm phán sẽ giúp đạt bước đột phá trong việc đưa Mỹ và I-ran trở lại JCPOA. Đại diện các cường quốc tham gia đàm phán đều đánh giá lạc quan về những bước tiến tích cực đạt được thời gian qua và kỳ vọng cánh cửa cơ hội sẽ vẫn mở ra trong vài tuần tới. Cả I-ran và Mỹ đều ghi nhận sự nghiêm túc trong cuộc đối thoại lần này, nhằm cho nhau cơ hội giảm căng thẳng và tiến tới tuân thủ hoàn toàn các cam kết trong JCPOA.

Mặc dù có những dấu hiệu về khả năng Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với I-ran, song Tê-hê-ran khẳng định muốn đạt được những mục tiêu khác nữa. Chủ tịch Quốc hội I-ran đã tuyên bố trong cuộc họp kín của quốc hội nước này rằng, có bốn “lằn ranh đỏ” cần được quan tâm khi tiến hành đàm phán. Các giới hạn đó là, phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm những lệnh trừng phạt đã nêu trong JCPOA cũng như các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Mỹ Đ.Trăm áp đặt; I-ran phải được kiểm tra hoạt động dỡ bỏ các lệnh trừng phạt; I-ran sẽ không tổ chức đàm phán trực tiếp với phía Mỹ trước khi mọi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ; các đạo luật đã được Quốc hội I-ran thông qua cũng như các chính sách đã được ban bố cần được tôn trọng trong các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, quốc gia Hồi giáo tiếp tục có các động thái nhằm tạo lợi thế đàm phán. Ngay trước thềm vòng đối thoại lần này, I-ran tuyên bố nước này có thể gia hạn một thỏa thuận cho phép các thanh sát viên của  Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát một số hoạt động chính nếu tiến trình đàm phán giữa Tê-hê-ran với các cường quốc về chương trình hạt nhân tiếp tục đi đúng hướng. Theo JCPOA, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của I-ran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ có các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp. Tuy nhiên, tháng 12-2020, Quốc hội I-ran đã thông qua đạo luật chấm dứt quyền thanh sát của IAEA kể từ ngày 21-2-2021, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Hai bên sau đó đã đạt thỏa thuận tạm thời về việc nối lại các cuộc thanh sát của IAEA kể từ ngày 23-2 vừa qua. Trong lúc các vấn đề được đưa ra đối thoại liên quan thỏa thuận hạt nhân chưa ngã ngũ, IAEA vừa thông báo, I-ran đã làm giàu u-ra-ni ở mức tinh khiết 63% tại nhà máy trên mặt đất Na-tan, cao hơn mức 60% mà Tê-hê-ran cho biết trước đây. JCPOA cho phép I-ran làm giàu u-ra-ni ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân và việc I-ran tiếp tục có các động thái “phá lệ” trong hoạt động làm giàu u-ra-ni nhằm thể hiện thái độ cứng rắn của Tê-hê-ran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
 
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và I-ran tiếp tục tồn tại những mâu thuẫn khó hóa giải và dễ dàng khởi nguồn cho những va chạm trên thực địa. Cuộc chạm trán gần đây nhất vừa xảy ra ở eo biển Hoóc-mút khi tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ bắn cảnh cáo tàu của I-ran. Lầu năm góc cáo buộc 13 tàu của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) áp sát bảy tàu hải quân Mỹ và tiếp cận với tốc độ cao ở khoảng cách 140 m. Vụ việc này là lần thứ hai trong vòng một tháng tàu quân sự của Mỹ bắn cảnh cáo đối với tàu I-ran ở vùng Vịnh. Những sự cố tương tự xảy ra đe dọa an ninh ở eo biển Hoóc-mút, tuyến đường biển chiến lược chiếm hơn 20% tổng lượng dầu của thế giới vận chuyển qua. Eo biển quan trọng này từng được I-ran sử dụng làm “át chủ bài” trong đối phó với Mỹ. Đáp lại, Oa-sinh-tơn sử dụng chính sách “cây gậy” để gây sức ép đối với Tê-hê-ran.

Trong bối cảnh giữa I-ran và Mỹ còn nhiều bất đồng và mâu thuẫn, các cuộc đàm phán hạt nhân được đánh giá là rất cam go. Tuy nhiên, với ý chí chính trị của các bên liên quan, các nhà ngoại giao hy vọng có thể đạt được bước đột phá nhằm chấm dứt thế bế tắc hiện nay và kỳ vọng về một thỏa thuận đạt được trước khi nước CH Hồi giáo tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 6 tới. Thời gian là điều cốt lõi, trong bối cảnh các cuộc đàm phán cần được thúc đẩy nhanh nhằm bảo đảm việc thực thi đầy đủ JCPOA, bởi đây là cách tốt nhất để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.