Cuộc chiến không tiếng súng

Mỹ bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi cam kết toàn cầu. Nhiều nước đã bày tỏ thất vọng về động thái này, đồng thời khẳng định quyết tâm cùng nhau nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhằm cứu "hành tinh xanh".

(Ảnh: IRISH TIMES)
(Ảnh: IRISH TIMES)

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình thông báo về mục đích rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Ðây là bước đi nhằm thực hiện lời hứa tranh cử "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ D.Trump vì ông cho rằng, việc Washington tham gia với những cam kết trong thỏa thuận toàn cầu để lại gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ. Người đứng đầu Nhà trắng phàn nàn rằng, Thỏa thuận Paris sẽ khiến nước Mỹ thiệt hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá. Tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu kéo dài một năm, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Thỏa thuận Paris từ ngày 4-11 năm tới.

Quyết định nêu trên của Mỹ đã tác động không nhỏ tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Là nước phát thải các-bon đi-ô-xít lớn thứ hai thế giới, song Mỹ lại đứng ngoài nỗ lực chung của cuộc chiến không tiếng súng này. Nhiều nước và ngay trong chính giới Mỹ chỉ trích mạnh mẽ quyết định thoái lui của Tổng thống Mỹ D.Trump khỏi một thỏa thuận cần thiết và không thể thay thế, trong bối cảnh trái đất đang đứng trước nhiều nguy cơ do biến đổi khí hậu. Nhật Bản, Pháp và nhiều quốc gia đã lên tiếng bày tỏ "lấy làm tiếc" trước việc Mỹ khởi động tiến trình chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris.

Trách nhiệm của các nước còn lại tham gia thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tiếp tục được xác định là "sống còn" đối với sức khỏe trái đất. Các nước tài trợ đã cam kết sẽ tăng 9,8 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó tình trạng trái đất nóng lên. Ðây là con số ấn tượng cho dù chưa bằng mức dự định 15 tỷ USD. Anh, Pháp và Ðức đã nhất trí tăng gấp hai lần mức đóng góp để bù lại thiệt hại từ việc Mỹ ngừng đóng góp cho quỹ này. GCF có trụ sở tại Hàn Quốc, ra đời là nỗ lực của các nước tại Hội nghị cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015, theo đó các chính phủ đồng ý quyên góp 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020 để giúp các nước đang phát triển trong lĩnh vực môi trường.

Hội nghị cấp cao Nền kinh tế xanh diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) gần đây kêu gọi thực hiện nhiều chính sách quyết liệt hơn nữa, trong đó chuyển hướng sang nền kinh tế xanh, nhằm đạt các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Trợ lý của Tổng Thư ký Liên hợp quốc O.Sarmad cảnh báo, thế giới đang đối mặt một "cuộc khủng hoảng mang tính sống còn". Theo ông, các quốc gia đã đạt được nhiều thỏa thuận, đặt ra nhiều chính sách và có rất nhiều công cụ, song điều cần thiết hiện nay là tăng cường thực thi đầy đủ nội dung các thỏa thuận đó. Cựu Tổng thống Colombia J.Santos, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2016, cảnh báo mối đe dọa biến đổi khí hậu đã vượt qua cả viễn cảnh chiến tranh hạt nhân và trở thành mối lo ngại cấp bách nhất mà nhân loại đang đối mặt.

Gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ trái đất nóng lên ở mức dưới 20C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ðể thực hiện mục tiêu này, nhất là trong bối cảnh lượng khí thải vào khí quyển tiếp tục tăng lên, gây ra những cơn sóng nhiệt cũng như bão lũ, Liên hợp quốc khuyến khích các nước tiếp tục các nỗ lực của riêng mình. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hối thúc các quốc gia thải khí các-bon nhiều nhất thế giới chấp thuận mức thuế khí thải 75 USD/tấn trong 10 năm tới nhằm duy trì tình trạng biến đổi khí hậu ở ngưỡng an toàn. Theo IMF, việc đánh thuế khí thải như vậy sẽ tạo động lực để cắt giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nước giàu cần thực hiện các trách nhiệm hỗ trợ các nước nghèo nhằm đạt mục tiêu chung. Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại nhiều thách thức khi mỗi quốc gia đều có toan tính riêng, dẫn tới những bất đồng sâu sắc trong chính sách và hành động. Ðó là chưa kể nhiều quốc gia rơi vào cảnh "lực bất tòng tâm", không đủ năng lực tài chính để thực hiện các dự án "xanh" như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, đóng góp tài chính cho GCF mới chỉ đạt một phần nhỏ so với cam kết của các nước giàu.