Cuộc chiến chống “giặc đói”

Những biến động về kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra khiến những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị gián đoạn, kéo lùi sự phát triển của thế giới lại nhiều năm. Nguy cơ nhiều người bị đẩy vào tình trạng đói nghèo cùng cực, tạo ra thách thức lớn cho cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu.

Báo cáo từ Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội (UNDESA) của Liên hợp quốc (LHQ) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ thế giới bị “chệch hướng” trong những nỗ lực suốt 15 năm qua nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thông qua việc hoàn thành 17 SDGs vào năm 2030. Dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, hủy hoại những tiến bộ thế giới đạt được trong hàng chục năm qua trong các lĩnh vực chống nghèo đói, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện SDGs có thể bị gián đoạn hơn nữa trong thời gian ngắn, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những nước nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư và người tị nạn. Dự báo, khoảng 71 triệu người trên thế giới bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo cùng cực trong năm 2020, đánh dấu lần đầu tình trạng nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998.

 Cộng đồng quốc tế lo ngại về các cuộc khủng hoảng lương thực, nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo cũng như tình trạng nghèo đói gia tăng càng khiến “bức tranh màu xám” của cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu trở nên u ám hơn. Các cuộc xung đột kéo dài ở Xy-ri, Y-ê-men, tình trạng bạo lực khủng bố ở khu vực Xa-hen của châu Phi hay các nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Mỹ la-tinh đẩy nhiều người vào thảm kịch nhân đạo tồi tệ. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), gần 10 triệu người ở Y-ê-men đang thiếu lương thực trầm trọng, khiến tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ với tốc độ đáng báo động. Những dấu hiệu cảnh báo về nạn đói đã hiện hữu tại quốc gia trên bán đảo A-rập, với hơn 20 triệu người ở Y-ê-men trong tình trạng mất an ninh lương thực. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cảnh báo, ít nhất 3,5 triệu người Xô-ma-li-a cần cứu trợ lương thực khẩn cấp trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9-2020. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia châu Phi này chủ yếu do hậu quả của biến đổi khí hậu, xung đột, tình trạng đói nghèo lan rộng.

Ðại dịch Covid-19 đang đẩy 40 triệu người dân tại khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. WFP cảnh báo chính phủ các nước trong khu vực và các tổ chức nhân đạo quốc tế cần hành động ngay để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này biến thành “đại dịch đói”. Trong khi đó, khoảng 24 triệu người tại vùng Xa-hen của châu Phi, trong đó có hơn một nửa là trẻ em, cần được hỗ trợ và bảo vệ để có thể sống sót trong năm nay. Ðây là con số kỷ lục từng được ghi nhận. Tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở khu vực này dự báo sẽ tăng vọt, với hơn 12 triệu người đối mặt nạn đói nghiêm trọng, con số cao nhất trong một thập kỷ gần đây. Tác động về kinh tế, xã hội của đại dịch Covid-19 có nguy cơ khiến số nạn nhân chịu tác động của nạn đói tăng gấp đôi.

Trước thực tế đáng lo ngại về tình trạng đói nghèo và khó khăn tại nhiều khu vực trên thế giới, tại hội nghị trực tuyến mới đây, các bộ trưởng tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) kêu gọi tất cả các nước chủ nợ thực thi đầy đủ thỏa thuận của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về tạm thời giãn nợ cho các nước nghèo và tuân thủ tiêu chuẩn minh bạch dữ liệu nợ. Sắp tới, các bộ trưởng tài chính G20 cũng sẽ thảo luận trực tuyến về việc hoãn nợ sau khi có thêm nhiều lời kêu gọi các nước chủ nợ giãn nợ do kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc, tác động nặng nề tới các nước vay nợ. 41 quốc gia đã đệ đơn xin trợ giúp theo sáng kiến này. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ð.Man-pát cho rằng, một số nước đang nợ nhiều sẽ cần được xóa nợ để không bị rơi vào “bẫy nghèo đói” dài hơn.

Khủng hoảng lương thực, vấn đề nhân đạo và cuộc chiến chống đói nghèo là những cụm từ được các tổ chức LHQ, quốc tế nhắc đến nhiều kể từ sau khi bùng phát dịch Covid-19. Trong khi đó, WFP cảnh báo về những khó khăn trước mắt trong hoạt động viện trợ trên toàn cầu khi phần lớn các chuyến bay nhân đạo phục vụ hậu cần của tổ chức này có nguy cơ không thực hiện được trong tháng 7 do thiếu kinh phí hoạt động. Thiếu tài chính, cùng thực trạng đói nghèo đáng báo động hiện nay tác động tới nỗ lực chung trong thực hiện SDGs, đặt thế giới trước con đường đầy gian nan và thử thách trong cuộc chiến chống “giặc đói”.