Cuộc chiến cam go

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành họp trực tuyến thảo luận về tình hình khu vực Sahel ở châu Phi nhằm tìm cách tiếp cận thống nhất, toàn diện trong giải quyết những thách thức an ninh, nhân đạo và phát triển tại khu vực này. Trong bối cảnh các cuộc tiến công khủng bố gia tăng, cộng đồng quốc tế kêu gọi huy động mọi nguồn lực, tăng cường đoàn kết nhằm đối phó mối đe dọa an ninh ở Sahel.

Khu vực Sahel của châu Phi đang đứng trước một thực trạng đáng lo ngại, đó là, lực lượng khủng bố lợi dụng sự bùng phát của dịch Covid-19 và sự yếu kém trong quản lý của các nước để mở rộng phạm vi hoạt động, đe dọa an ninh và ổn định khu vực. Tại Mali, Burkina Faso và Niger, số người chết trong các vụ tiến công khủng bố năm 2019 là 4.000 người, tăng gấp năm lần so năm 2016. Tình trạng đói nghèo, kinh tế tăng trưởng thấp và suy thoái, xung đột giữa các cộng đồng về tài nguyên phục vụ sinh kế, biến đổi khí hậu và các vấn đề nhân đạo là những thách thức lớn mà khu vực Sahel đang phải đối diện. Ngoài các nhóm Hồi giáo thánh chiến trong khu vực, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang mở rộng địa bàn hoạt động ở châu Phi. Nhóm này sử dụng các loại vũ khí hiện đại, bao gồm cả máy bay không người lái, tìm cách kiểm soát các cộng đồng ở địa phương, cũng như mưu toan đưa lực lượng sang các nhánh khủng bố khác để gia tăng ảnh hưởng và mở rộng tổ chức. Vì thế, khu vực Trung Phi và Sahel đang đối mặt sự gia tăng mạnh mẽ những vụ tiến công từ các tổ chức khủng bố, với số lượng thành viên ước tính khoảng 6.000 tên.

Bên cạnh các lực lượng của Pháp, Mỹ được triển khai tại một số địa bàn trong khu vực, lực lượng chống khủng bố chung của các nước G5 Sahel (gồm Mali, Burkina Faso, Mauritania, Niger và CH Chad) đã được thành lập nhằm tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến chống khủng bố. Mới đây, lực lượng G5 Sahel đã khánh thành sở chỉ huy mới ở phía nam thủ đô Bamako của Mali, gần trụ sở của phái bộ LHQ tại Mali. Việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng đã góp phần đẩy lùi sự gia tăng và bành trướng của các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, kể từ khi được thành lập đến nay, do không được trang bị đầy đủ, hạn chế trong khâu đào tạo, huấn luyện, cũng như không có sự phối hợp hiệu quả, lực lượng G5 Sahel chưa thật sự thành công trong việc ngăn chặn vòng xoáy bạo lực do các tổ chức thánh chiến gia tăng hoạt động.

“Bóng ma” khủng bố luôn là nỗi ám ảnh của người dân châu Phi khi hằng ngày vẫn xảy ra các vụ thảm sát đẫm máu trong cộng đồng dân cư, cũng như các vụ tiến công nhằm vào lực lượng an ninh, quan chức cấp cao ở các nước trong khu vực. Trong khuôn khổ một hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng của Liên minh toàn cầu chống IS mới đây, các nước châu Phi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Các nỗ lực chung của liên minh đã giúp xóa bỏ tham vọng mở rộng lãnh thổ, địa bàn hoạt động của IS ở Trung Đông, song tổ chức này đang có xu hướng dịch chuyển hoạt động sang các khu vực khác, trong đó có châu Phi. Trong cuộc chiến này, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hỗ trợ cả về tài chính và phương tiện, vũ khí cho châu Phi. Quan ngại về tình trạng gia tăng các vụ tiến công khủng bố nhằm vào dân thường, lực lượng gìn giữ hòa bình và an ninh tại Sahel, LHQ kêu gọi các chính phủ, các tổ chức khu vực ở Tây Phi tăng cường đoàn kết chống khủng bố và bạo lực cực đoan; hoan nghênh sự cam kết đóng góp, hỗ trợ của các nước cho Sahel nhằm chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và xử lý nguyên nhân gốc rễ của bất ổn. Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế rất cần thiết trong việc huấn luyện và bảo đảm tài chính cho hoạt động của lực lượng G5 Sahel. Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đều nhấn mạnh ủng hộ triển khai cách tiếp cận toàn diện về an ninh, nhân đạo và phát triển bền vững cho các quốc gia trong khu vực Sahel; nhấn mạnh sự cấp thiết và nghĩa vụ bảo vệ dân thường, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Thách thức an ninh, trong đó có các vụ tiến công khủng bố, là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển ở Sahel. Ngăn chặn vòng luẩn quẩn xung đột - đói nghèo ở Sahel là một cuộc chiến cam go, cần sự phối hợp toàn diện, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và tăng cường đoàn kết hơn nữa giữa các nước trong khu vực.