Bình luận quốc tế

"Cú bắt tay" ngoạn mục

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dừng "Chiến dịch mùa xuân hòa bình" chống người Kurd ở đông bắc Syria sau khi đạt thỏa thuận với Nga. Với thỏa thuận này, Nga đã có một "cú bắt tay" ngoạn mục với Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò trọng tài ở "ván cờ Syria" khi vừa giúp hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực, vừa khẳng định vị thế của Moscow trong việc tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Thỏa thuận về Syria kể trên đạt được tại Sochi, miền nam nước Nga, sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan. Ðây được xem là một thắng lợi chính trị của ông chủ Ðiện Kremlin khi thỏa thuận này được nhận định là đúng thời điểm, thỏa mãn yêu cầu và lợi ích của tất cả các bên liên quan, đồng thời củng cố vị thế của Nga trong việc kiểm soát tình hình ở Syria. Sự đồng thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề ở miền bắc Syria được đưa ra đúng lúc thỏa thuận ngừng bắn năm ngày giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa hết hiệu lực.

Với sự dàn xếp của Nga và được Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí, lực lượng người Kurd ở Syria đã đồng ý rút khỏi các khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lùi sâu 30 km về phía lãnh thổ Syria. Chính phủ Syria sẽ thiết lập 15 điểm kiểm soát dọc biên giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành tuần tra chung tại khu vực này. Lực lượng cảnh sát quân sự Nga cũng tham gia tuần tra chung với Syria. Thỏa thuận Nga - Thổ về Syria trung thành với nguyên tắc bảo đảm thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, giữ nguyên trạng tại vùng mà Ankara tiến hành chiến dịch quân sự ở đông bắc Syria.

Với một thỏa thuận như vậy, cả Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, lực lượng người Kurd, Nga và Mỹ đều cảm thấy chấp thuận được và hợp lý với tất cả các bên. Với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận này đã giúp kết thúc một chiến dịch quân sự vốn bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, trong khi vẫn hoàn thành được các mục tiêu thiết lập "vùng an toàn ở Syria" và tiếp tục triển khai quân ở khu vực này. Chính phủ Syria cũng được lợi khi không phải tốn nhiều công sức triển khai số lượng lớn binh sĩ tới khu vực mà trước đây nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng người Kurd, trong khi vẫn bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Còn đối với Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), sau khi dường như bị Mỹ bỏ rơi, thì thỏa thuận mới giúp họ tìm kiếm một sự bảo trợ phần nào từ Nga trong giải quyết cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận Nga - Thổ cũng giúp Mỹ thoát thế khó xử khi Washington dọa sẽ áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ nối lại chiến dịch quân sự chống người Kurd sau thời gian ngừng bắn năm ngày. Bởi thế, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch, Tổng thống Mỹ D.Trump đã chính thức tuyên bố chấm dứt các lệnh trừng phạt chống Ankara. Ðiều này cũng giúp Mỹ không phải leo thang căng thẳng với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người Kurd ở Syria, đồng thời giảm bớt sự chỉ trích của dư luận về việc Washington đã bỏ mặc lực lượng người Kurd đơn độc trong cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ.

Những diễn biến mới nêu trên đã tạm thời làm dịu nguy cơ leo thang căng thẳng và ngăn chặn "lửa" xung đột cháy lan ở miền bắc Syria. Tuy nhiên, trên thực tế khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ nối lại chiến dịch nếu lực lượng người Kurd không tuân thủ thỏa thuận. Vùng lãnh thổ phía bắc Syria khó có thể ổn định khi tiếp tục bị bên ngoài can thiệp. Mỹ được cho là đã nhường vai trò dẫn dắt thế cờ trên "bàn cờ Syria" cho Nga sau khi Moscow chứng tỏ vai trò trung gian hiệu quả và lực lượng quân cảnh Nga đã được triển khai tới miền bắc Syria theo thỏa thuận Nga - Thổ vừa đạt được. Bởi thế, Washington chắc chắn không muốn mất tầm ảnh hưởng sau khi quyết định rút quân khỏi Syria. Ðó là lý do Mỹ và NATO bày tỏ ủng hộ đề xuất của Ðức về việc thành lập một "vùng an ninh" do quốc tế kiểm soát ở đông bắc Syria. Trong khi đó, đây là vấn đề liên quan chủ quyền của Syria và chính quyền Damascus kiên quyết không chấp nhận sự can thiệp của bên ngoài.

Nhiều nước hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt xung đột ở miền bắc Syria. Thỏa thuận này tạo tiền đề thuận lợi giúp các bên liên quan tiếp tục theo đuổi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Ðó là, duy trì cơ chế đối thoại Astana về Syria giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran, đồng thời thúc đẩy tiến trình soạn thảo Hiến pháp Syria vì một tương lai do chính người dân Syria quyết định. Tuy nhiên, diễn biến cuộc khủng hoảng Syria vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường và con đường tiến tới hòa bình ở quốc gia Trung Ðông này được dự báo sẽ còn nhiều gian nan.