"Cơm không lành, canh chẳng ngọt"

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong NATO rơi vào tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", liên quan thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - Nga về an ninh ở miền bắc Syria. Hạ viện Mỹ tán thành trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào người Kurd, trong khi Ðức đề xuất "quốc tế hóa" việc kiểm soát vùng lãnh thổ phía bắc Syria. Những động thái này tiếp tục làm căng thẳng leo thang.

Cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận với Nga về việc tuần tra chung giữa các lực lượng của Ankara và Moscow ở khu vực miền bắc Syria. Cuộc họp chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc, khi hầu hết các nước trong NATO đều phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ phát động cuộc chiến ở đông bắc Syria và thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chia nhau kiểm soát khu vực này. NATO lo ngại, đây là cơ hội để Nga mở rộng ảnh hưởng ở Syria, tác động tiêu cực tới cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) mà phương Tây đã "tốn công, tốn của" theo đuổi bấy lâu nay. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc những lợi ích mà phương Tây toan tính trên "bàn cờ Syria" bị đe dọa.

Nhằm bảo toàn ảnh hưởng của phương Tây, NATO đã ủng hộ ý tưởng của Ðức về việc thành lập một "vùng an toàn quốc tế" tại khu vực biên giới Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chuyên gia Ðức nhận định, Berlin có thể cử tới 2.500 binh sĩ tới khu vực này nếu việc kiểm soát của lực lượng quốc tế được thành lập. Lực lượng Ðức có thể gồm lính trinh sát, kỹ sư quân sự, đặc nhiệm, chuyên gia phá mìn, cùng các xe thiết giáp đa năng, vũ khí hạng nặng, xe bánh xích… Mỹ khẳng định ủng hộ sáng kiến của các thành viên châu Âu trong NATO về thiết lập một phái bộ như vậy ở Syria. Ðáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, đề xuất của Ðức về "vùng an toàn quốc tế" ở đông bắc
Syria là phi thực tế.

Quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria, song trên thực tế Mỹ chưa thể "buông tay", khi nguy cơ lực lượng người Kurd, từng là đối tác của Washington về chống khủng bố, nay ngả theo một bên khác. Lầu năm góc đã đưa một phần lực lượng trở lại đông bắc Syria, một quyết định được cho là nhằm "vớt vát" vị thế đang dần mờ nhạt trước Nga. Bộ trưởng Quốc phòng M.Esper tuyên bố, Mỹ sẽ ngăn cản các lực lượng bên ngoài tiếp cận những mỏ dầu mà Washington đang "bảo vệ" ở đông bắc Syria; và các binh sĩ Mỹ trở lại đồn trú tại vùng chiến lược này là để ngăn chặn IS hay bất kỳ lực lượng nào tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng. Thực tế, Mỹ muốn bảo đảm nhóm Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu có thể tiếp cận tài nguyên dầu mỏ để củng cố nguồn tài chính. Lãnh đạo Lầu năm góc cũng nhấn mạnh, quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng "nguồn lực quân sự áp đảo" để đáp trả bất kỳ tổ chức nào đe dọa sự an toàn của các binh sĩ Mỹ tại khu vực.

Những bước đi kiểu "ông chẳng bà chuộc" giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây liên quan cuộc khủng hoảng Syria đang làm gia tăng căng thẳng giữa hai đồng minh NATO. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các nghị quyết của Hạ viện Mỹ, về dự luật trừng phạt Ankara liên quan các cuộc tiến công lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria và công nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời Ðế chế Ottoman là "diệt chủng". Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Ðại sứ Mỹ để phản đối. Dự luật về trừng phạt gồm các lệnh cấm bán vũ khí của Mỹ cho Ankara phục vụ chiến dịch tại Syria; xác định vai trò của các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch này; trừng phạt các đối tượng nước ngoài cung cấp vũ khí cho các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Dự luật cũng yêu cầu chính quyền Tổng thống D.Trump áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ đã được gỡ bỏ, trong đó có việc tăng thuế nhập khẩu thép của Ankara lên 50%, đồng thời dừng đàm phán thỏa thuận thương mại, trị giá 100 tỷ USD.

Hiện, trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên NATO tồn tại quá nhiều rạn nứt, thậm chí có những ý kiến từ Ðức muốn xem xét lại tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nhiều người dân Ðức muốn NATO loại bỏ tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara tiến hành chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria. 61% ý kiến ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara và 69% ủng hộ việc Berlin áp đặt lệnh cấm hoàn toàn bán vũ khí cho Ankara, bất chấp kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Ðức sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 243 triệu ơ-rô năm 2018, gần một phần ba tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Ðức.

Trong bối cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thực thi thỏa thuận đã đạt được tại Sochi về vấn đề Syria, Ankara còn phải chịu sức ép từ các đồng minh trong NATO. Thách thức lớn với Ankara là phải tìm cách hóa giải những mâu thuẫn sâu sắc với các đồng minh, trong khi vẫn đạt được những mục tiêu đã định, liên quan cuộc khủng hoảng Syria.