Cơ hội mới

Bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Ðông Ðịa Trung Hải, tác động tới thỏa thuận giữa An-ca-ra và Brúc-xen trong phối hợp xử lý làn sóng người di cư vượt “cửa ngõ” Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu. Việc An-ca-ra gần đây liên tiếp phát đi “tín hiệu xanh”, mong muốn giảm căng thẳng với EU, được kỳ vọng mở ra trang mới trong quan hệ hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ và EU vừa trải qua một năm sóng gió trong quan hệ giữa hai bên liên quan các hoạt động thăm dò dầu khí của An-ca-ra ở Ðông Ðịa Trung Hải, cũng như các chính sách đối với các vấn đề ở khu vực Trung Ðông - Bắc Phi, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Li-bi. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu thăm dò khí đốt và điều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Ðông Ðịa Trung Hải đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của A-ten, dẫn đến va chạm giữa tàu Thổ Nhĩ Kỳ và tàu chiến Hy Lạp.

Các động thái cứng rắn của An-ca-ra ở vùng biển này làm leo thang căng thẳng, buộc các nước EU phải tăng cường biện pháp răn đe và chuẩn bị sẵn sàng các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong xử lý bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, các nước EU không thống nhất. Một số thành viên EU, trong đó có Pháp và Hy Lạp, kêu gọi áp đặt các biện pháp mạnh hơn đối với An-ca-ra, một số nước khác lại lo ngại căng thẳng gia tăng ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận ngăn dòng người di cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vượt Ðịa Trung Hải vào châu Âu. NATO đã phải thiết lập một cơ chế giảm xung đột để tránh nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự đáng tiếc giữa các đồng minh trong khối.

Sau nỗ lực trung gian của Ðức và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ “bắn tín hiệu” muốn hàn gắn với EU, đưa quan hệ hai bên ra khỏi “vòng luẩn quẩn”. Tại cuộc gặp trực tuyến với các đại sứ EU, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan nhấn mạnh, An-ca-ra sẵn sàng đưa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU trở lại quỹ đạo bình thường, đồng thời kỳ vọng EU cũng thể hiện thiện chí tương tự. Ông hy vọng cuộc đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp về tranh chấp lãnh hải, dự kiến diễn ra ngày 25-1 tới tại I-xtan-bun, sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho quan hệ hai bên.

Trong 14 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã tiến hành 60 vòng đàm phán về tranh chấp tại Ðịa Trung Hải; cuộc đàm phán gần đây nhất diễn ra năm 2016. Năm 2019, An-ca-ra và A-ten dự định nối lại các cuộc đối thoại, song kế hoạch bị hủy bỏ do căng thẳng leo thang và bất đồng về nội dung thảo luận. Thổ Nhĩ Kỳ cũng để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ với Pháp sau nhiều tháng hai nước luôn ở thế đối đầu, do phát biểu chỉ trích của Tổng thống Éc-đô-gan nhằm vào người đồng cấp Pháp E.Ma-crông liên quan đến Hồi giáo. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã có “cuộc điện đàm mang tính xây dựng” với người đồng cấp Pháp. Hai nước cũng đang thảo luận kế hoạch hành động cải thiện quan hệ song phương.

Ðược coi là vùng đệm an toàn để giảm số người di cư từ Trung Ðông - Bắc Phi vào châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp các nước châu Âu ngăn chặn làn sóng di cư từ “đầu nguồn”. Ðổi lại, An-ca-ra được nhận khoản hỗ trợ tài chính từ Brúc-xen. EU thông báo đã giải ngân toàn bộ sáu tỷ ơ-rô cho Thổ Nhĩ Kỳ theo cam kết trong thỏa thuận. Bởi thế, khi xảy ra các tranh chấp giữa An-ca-ra với một số nước EU, nhiều nước thành viên còn lại muốn có cách tiếp cận mềm mỏng hơn.

Sự ràng buộc lợi ích lẫn nhau là một trong những lý do chính để Thổ Nhĩ Kỳ và EU “níu giữ” mối quan hệ, không để căng thẳng làm tổn hại tới các lợi ích của cả hai phía. Hai bên đang đứng trước cánh cửa cơ hội mới đưa quan hệ trở lại quỹ đạo ổn định, khi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp lãnh hải, cũng như các tranh chấp dai dẳng liên quan nguồn dự trữ năng lượng ở Ðông Ðịa Trung Hải.