Cơ hội hàn gắn

Cơ hội hàn gắn rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước láng giềng đã được hé mở sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Xư-ga Y-ô-si-hi-đê và Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In. Cùng khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Nhật Bản - Hàn Quốc, hai bên nhất trí sớm chấm dứt “thời kỳ nguội lạnh”, đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo, đóng góp cho ổn định và phát triển của khu vực.

Cuộc điện đàm hôm 24-9 là cuộc thảo luận đầu tiên giữa Thủ tướng Xư-ga và Tổng thống Mun Chê In, cũng là lần trao đổi cấp cao mới nhất giữa hai quốc gia láng giềng, sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước ở Thành Ðô (Trung Quốc) tháng 12-2019. Sau Tổng thống Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc là nhà lãnh đạo thứ hai mà ông Xư-ga có cuộc thảo luận ngay sau khi chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản. Ðộng thái này gửi đi thông điệp về mối quan tâm ưu tiên của nhà lãnh đạo mới ở Nhật Bản.

Thủ tướng Xư-ga tiếp quản vai trò lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc “nguội lạnh” do bất đồng. Hai nước vốn rơi vào cuộc tranh cãi dai dẳng về các vấn đề lịch sử và thương mại, nhất là vấn đề lao động Hàn Quốc bị buộc làm việc tại các công ty của Nhật Bản trong giai đoạn 1919 - 1945. Tranh cãi leo thang từ tháng 10-2018, sau khi Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động. Chính phủ Hàn Quốc khẳng định không can thiệp phán quyết của tòa án, theo đó tài sản của các công ty Nhật Bản ở Hàn Quốc sẽ được thanh lý để trang trải các khoản bồi thường cho lao động Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Nhật Bản bác bỏ, vì cho rằng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hai nước đã bao gồm các khoản bồi thường nêu trên.

Căng thẳng bị đẩy lên cao hồi tháng 7-2019, khi Chính phủ Nhật Bản ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc các loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình, vốn là những mặt hàng mũi nhọn của Hàn Quốc. Tô-ki-ô cũng đưa Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng”, gồm các quốc gia được hưởng quy chế ưu đãi thương mại của Nhật Bản. Bước đi của Tô-ki-ô gây ra làn sóng biểu tình phản đối ở Hàn Quốc, kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản. Xơ-un trả đũa bằng quyết định “treo” việc gia hạn Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) giữa hai nước. Tạm đình chỉ thông báo hủy GSOMIA, song Hàn Quốc cảnh báo có thể chấm dứt hiệp định quan trọng này vào bất cứ thời điểm nào.

Nhậm chức trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc gặp nhiều sóng gió, Thủ tướng Xư-ga khẳng định duy trì các chính sách chủ chốt của người tiền nhiệm, song cho rằng “đã đến lúc Nhật Bản cải thiện quan hệ với nước láng giềng Hàn Quốc”. Trong điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, dù còn nhiều bất đồng, hai nước không thể từ bỏ mối quan hệ láng giềng, mà cần duy trì hợp tác vì lợi ích chung và phối hợp ứng phó thách thức chung.

Thông điệp của nhà lãnh đạo Nhật Bản ưu tiên thúc đẩy quan hệ với nước láng giềng được đánh giá là phù hợp thực tế hiện nay. Những bất đồng và căng thẳng kéo dài vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng quan hệ hai nước, nhất là về kinh tế và thương mại. Giá trị xuất khẩu năm 2019 của Hàn Quốc và Nhật Bản sang thị trường của nhau đều giảm, lần lượt ở mức 6,9% và 12,9% so năm trước đó. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới kinh tế và thương mại toàn cầu, yêu cầu gỡ bỏ rào cản, khôi phục dòng chảy thương mại trở nên cấp thiết. Với các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Hàn Quốc và Nhật Bản, nhu cầu này càng cấp bách hơn.

Hợp tác Nhật Bản - Hàn Quốc, cũng như phối hợp ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, có vai trò quan trọng trong nỗ lực phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Việc cải thiện quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc là bước đi tích cực, được kỳ vọng giúp thúc đẩy khôi phục đối thoại, nhằm khởi động lại tiến trình phi hạt nhân hóa đang trì trệ.

Cơ hội đã mở ra, không chỉ cho một giai đoạn hợp tác song phương mới giữa “đất nước mặt trời mọc” và “xứ sở kim chi”, mà với cả an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực Ðông - Bắc Á.