Cơ hội đối thoại

Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải hạ nhiệt, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý đối thoại với Hy Lạp về tranh chấp trên biển và nguy cơ Liên hiệp châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt An-ca-ra tạm lắng dịu. Tuy nhiên, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU vẫn đứng trước “bước ngoặt nhạy cảm”, khi cả hai bên có thể sử dụng những “con bài” để mặc cả lẫn nhau.

Căng thẳng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang thời gian qua liên quan nhiều vấn đề, trong đó nghiêm trọng nhất là việc An-ca-ra triển khai tàu Oruc Reis thăm dò dầu khí và các tàu chiến tới Đông Địa Trung Hải, khu vực Thổ Nhĩ Kỳ có tranh chấp chủ quyền với hai quốc gia thành viên EU là Hy Lạp và CH Síp. Căng thẳng bị đẩy lên cao khi các bên tổ chức tập trận ở khu vực này, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, I-ta-li-a và CH Síp, khiến mâu thuẫn giữa các thành viên trong NATO có nguy cơ bị đẩy thành cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm. 

Nỗ lực trung gian của Đức và NATO đã giúp giảm nguy cơ xung đột sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhất trí sẵn sàng nối lại đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp song phương tại khu vực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan nêu rõ, động lực đàm phán cần được bảo đảm bằng cách thiết lập đối thoại và nên được duy trì bằng những hành động “có đi có lại”. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng hành động thiện chí của nước này sẽ đổi lại những chính sách “dễ chịu” hơn từ phía EU, trong đó có việc  bổ sung các bước đi cụ thể về cập nhật liên minh thuế quan giữa hai bên, du lịch miễn thị thực. 

Trong khi đó, EU cũng mong chờ có được sự hợp tác tích cực hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chặn dòng người di cư ngay từ cửa ngõ vào châu Âu. Vấn đề người di cư từng được An-ca-ra sử dụng như “con bài” để mặc cả với châu Âu, khi luôn khẳng định sự hỗ trợ của EU chưa thấm tháp so  với những nỗ lực của An-ca-ra xử lý vấn đề người di cư vào châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận người tị nạn, song điều này không thể là cái cớ để bào chữa cho việc đe dọa các nước láng giềng. Bà U.Lây-en cũng khẳng định, Hy Lạp và CH Síp có thể tin tưởng vào sự đoàn kết trọn vẹn của EU trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền hợp pháp của các quốc gia thành viên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan kêu gọi Hy Lạp không bỏ lỡ cơ hội đối thoại về những tranh chấp giữa hai nước ở Đông Địa Trung Hải. Tổng thống Pháp E.Ma-crông và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan đã lần đầu điện đàm sau nhiều tháng căng thẳng leo thang trong quan hệ hai nước. Ông Ma-crông kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế hành động đơn phương có thể kích động căng thẳng, tích cực tham gia các nỗ lực xây dựng khu vực hòa bình và hợp tác ở Địa Trung Hải. Trong khi đó, ông Éc-đô-gan nhấn mạnh cần tận dụng các cơ hội ngoại giao để giảm căng thẳng và tiến tới những cuộc đàm phán bền vững. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng mong muốn Pháp thể hiện thái độ mang tính xây dựng và đồng thuận trong giải quyết tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải. 

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước đi nhằm làm dịu tình hình, khi rút tàu thăm dò dầu khí khỏi vùng biển tranh chấp ngay trước thềm cuộc gặp của các nhà lãnh đạo EU vốn được lên kế hoạch để thảo luận các biện pháp trừng phạt An-ca-ra. Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại G.Bo-ren nhận định, mối quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ đang ở thời khắc bước ngoặt, sẽ đi về hướng nào là phụ thuộc các động thái từ cả hai phía. 

Những bước đi của cả hai bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng là tín hiệu tích cực, cho thấy cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU đều muốn thúc đẩy đối thoại thay đối đầu. Trong bối cảnh hai bên có mối quan hệ ràng buộc trong nhiều vấn đề quan trọng, việc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt chỉ là “hạ sách”. Ngoài ra, nội bộ NATO cũng thêm rạn nứt, một khi căng thẳng giữa các thành viên gia tăng.