Cơ hội cuối cùng

Trưởng đoàn đàm phán của Liên hiệp châu Âu (EU) M.Bác-ni-ê vừa tới Luân Ðôn trong nỗ lực cuối cùng, nhằm đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh khi chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến thời điểm Anh chính thức rời "mái nhà chung" của EU.

Vòng đàm phán mới nhất giữa Anh và EU diễn ra trong bối cảnh Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 31-12 tới, nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, dù đã trải qua nhiều vòng đàm phán. Hôm 19-11, trưởng đoàn EU phải tuyên bố tạm dừng các cuộc đàm phán với người đồng cấp Anh Ð.Phrốt trong thời gian ngắn, sau khi một thành viên trong đoàn đàm phán của EU có xét nghiệm dương tính với Covid-19. Bước vào vòng đàm phán được xem như "cơ hội cuối cùng" này, cả Brúc-xen và Luân Ðôn đều kêu gọi nhau thỏa hiệp nhằm tránh một cái kết hỗn loạn cho cuộc khủng hoảng Brexit đã kéo dài gần 5 năm qua. Vương quốc Anh đã rời khỏi EU vào tháng 1-2020 và giới chức hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận điều chỉnh gần 1.000 tỷ USD trao đổi thương mại hằng năm trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, dự kiến vào ngày 31-12 tới. Giới phân tích nhận định rằng, đàm phán hậu Brexit giữa Anh và EU hiện trong "thời gian bù giờ", nhưng bất kỳ một thỏa thuận nào vẫn có thể kịp để Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối năm nay.

Hiện nay, các cuộc đàm phán giữa EU và Anh vẫn đang bế tắc ở ba nội dung chính gồm: các bảo đảm cho cạnh tranh công bằng; quyền đánh bắt cá; vấn đề giải quyết tranh chấp trong tương lai giữa hai bên. Ngoài ra, một vấn đề nữa đang có nguy cơ "cản bước" đàm phán thương mại hậu Brexit, đó là vấn đề về vùng lãnh thổ Gi-bran-ta nằm ở cực nam Tây Ban Nha. Phía Tây Ban Nha đã trao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ nói trên cho nước Anh theo Hiệp ước Utrecht năm 1713, nhưng vẫn tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất này. Một khi Anh chính thức ra khỏi EU, việc đi lại tự do giữa Tây Ban Nha đến vùng này trở nên phức tạp. Theo đó, Luân Ðôn đang đàm phán với Ma-đrít để tìm kiếm một thỏa thuận giúp hai bên tránh phải thiết lập hệ thống kiểm soát biên giới giữa vùng này với phần còn lại của Tây Ban Nha. Mặc dù Tây Ban Nha đã nhất trí gạt vấn đề tuyên bố chủ quyền sang một bên để tập trung vào mục tiêu là đạt thỏa thuận giúp duy trì "một biên giới mở" giữa vùng Gi-bran-ta và phần còn lại của Tây Ban Nha, song Ma-đrít cảnh báo rằng không còn nhiều thời gian cho thỏa thuận Brexit giữa Tây Ban Nha và Vương quốc Anh liên quan đến vùng lãnh thổ này.

Ngoài vấn đề thời gian đàm phán đã cạn, triển vọng đàm phán Anh - EU về một hiệp định thương mại hậu Brexit và các vấn đề liên quan vẫn đang hết sức mờ mịt. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Anh hoặc EU sẽ "xuống thang" để giải quyết những bất đồng nêu trên, tạo đột phá để đưa đàm phán "về đích". Giống như tại nhiều vòng đàm phán trước, các nhà lãnh đạo Anh và EU vẫn đẩy "quả bóng trách nhiệm" về phía đối phương. Tối 27-11, khi Trưởng đoàn đàm phán EU M.Bác-ni-ê tới Luân Ðôn để đàm phán với Trưởng đoàn đàm phán Anh Ð.Phrốt, ông đã thừa nhận với báo giới rằng: "Vẫn còn những khác biệt lớn giữa hai bên". Theo ông, nếu phía Anh không nhanh chóng đưa ra quyết định cần thiết, việc đạt được thỏa thuận sẽ vô cùng khó khăn. Trong khi đó, phát biểu với báo giới giữa tuần qua, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn cũng khẳng định rằng: "Vẫn còn những bất đồng lớn và quan trọng". Thủ tướng Anh cho rằng, việc đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ phụ thuộc vào bên phía EU. Trong khi đó, các động thái từ EU cho thấy họ không vội vã trong đàm phán. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en hôm 25-11 cảnh báo rằng, phía EU đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho "kịch bản không thỏa thuận" với Anh sau giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Dựa vào kết quả đàm phán Anh - EU thời gian qua, bà Lây-en nhận định đàm phán những ngày tới sẽ có vai trò quyết định.

Trước tình hình nêu trên, giới phân tích quan ngại rằng EU và Anh khó có thể tận dụng được "cơ hội cuối cùng" từ vòng đàm phán lần này. Một khi kịch bản nước Anh tay trắng rời "mái nhà chung châu Âu" xảy ra, hoạt động thương mại giữa hai bên sẽ gặp rào cản thuế quan và các doanh nghiệp, nhất là phía Anh, sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Những hỗn loạn sẽ xảy ra ở khu vực biên giới, trên thị trường tài chính, trong các chuỗi cung ứng trải khắp châu Âu và xa hơn thế. Ðiều này sẽ giáng thêm một đòn chí mạng vào kinh tế châu Âu, nhất là kinh tế Anh vốn đang khốn đốn vì đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng kinh tế được Chính phủ Anh dự báo là suy giảm tới 11,3% trong năm nay.